Cởi “nút thắt” tắc vốn
Nằm trong kế hoạch sang “đàm phán” với đại diện Chính phủ Trung Quốc để giải ngân khoản vốn 250 triệu USD phát sinh cho dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, chiều 10/5, thông tin từ Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Lê Kim Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, Chính phủ Trung Quốc vừa đồng ý cho vay toàn bộ số vốn trên để Tổng thầu hoàn thành dự án. Số tiền này sẽ được giải ngân ngay sau khi đại diện hai Nhà nước ký thỏa thuận nhân chuyến Chủ tịch Nước sang thăm Trung Quốc từ ngày 11/5. Ông Thành cũng cho biết, tuy là khoản vay phát sinh và không nằm trong tổng mức đầu tư 552 triệu USD vay ODA của dự án nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn cho dự án được hưởng mức lãi suất ưu đãi như vay ODA là 3%/năm.
Trao đổi với PV Tiền phong chiều qua, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Phòng quản lý dự án 2 (phụ trách thi công dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông) cho biết, với việc đại diện Chính phủ Trung Quốc đồng ý giải ngân cho khoản tiền trên, dự án cơ bản không còn gặp khó khăn về vốn. Theo đó, từ nay dự án sẽ tập trung đẩy nhanh công các hạng mục còn lại, cùng với đó triển khai nhanh công tác mua sắm thiết bị lắp đặt trên tuyến và nhà ga. Đề cập đến tiến độ dự án, ông Phương cho biết, với hạng mục xây lắp hiện dự án đã hoàn thành 93% khối lượng công việc; với các gói thầu đang tiếp tục thi công, như: Đề-pô (trạm bảo dưỡng, sửa chữa ở Hà Đông); một số ga như Cát Linh, Hoàng Cầu, Thanh Xuân… cũng được yêu cầu thoàn thành trước tháng 10. Với hạng mục mua sắm thiết bị, dự án có 13 đoàn tàu theo tiêu chuẩn B1, hiện Tổng thầu đã nhập một đoàn về lắp đặt tại nhà ga La Khê (Hà Đông), 12 đoàn còn lại đối tác bên Trung Quốc đã sản xuất, chế tạo xong, có tiền Tổng thầu sẽ triển khai nhập về. Với 11 chuyên ngành khác của gói mua sắp thiết bị, như: Công nghệ vận hành, đường ray tiếp xúc, thiết bị khu đề-pô, nhà ga, kiểm soát vé, thang cuốn, chiếu sáng… việc sản xuất, chế tạo cũng đang đảm bảo tiền độ.
Các nhà ga đã cơ bản hoàn thành và đang chờ lắp các thiết bị vận hành
Trên 680 nhân sự vận hành tàu đô thị từ 1/10
Sau khi được tháo gỡ về vốn, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và chạy thử nghiệm từ 1/10/2017, sau đó sẽ chạy chính thức. Với thiết kế 4 toa mỗi đoàn tàu, sau khi đi vào sử dụng tàu đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ chuyên chở được khoảng 1.000 hành khách/lượt, tần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt; mỗi giờ tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông chuyên chở được 3 vạn lượt hành khách/chiều. Tốc độ chạy tàu tối thiếu là 35km/h, tối đa 80km/h, toàn tuyến có 12 ga, mỗi ga cao 3 tầng. Để tạo thuận lợi cho hành khách tiếp cận, ngoài thang bộ, các nhà ga sẽ được trang bị hệ thống thang máy. Khi vào nhà ga để tiếp cận, sử dụng tàu, hành khách sẽ được sử sụng hệ thống kiểm soát, bán vé tự động. Cùng với đó, các nhà ga cũng được cung cấp các dịch vụ tiện ích, công nghệ hiện đại nhằm giúp hành khách vừa thư giãn vừa có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin khi chờ, di chuyển trên tàu.
Để chuẩn bị cho công tác vận hành 13 đoàn tàu đô thị đầu tiên tại Hà Nội, trong phương án vận hành, đại diện chủ đầu tư cho biết, cần 681 nhân sự. Số nhân viên này bao gồm: quản lý, điều hành thuộc 12 phòng chức năng: 87 người; vận hành cơ sở thuộc 8 trung tâm: 594 người. “Trong số nhân sự này, số nhân viên tuyển dụng trực tiếp, không qua đào tạo là 30 người, trong đó có 4 Phó Tổng giám đốc; 26 nhân viên thuộc phòng tổ chức, vật tư, Quản lý hành chính; số nhân viên phải đào tạo là 651 người, trong đó đào tạo tại Trung Quốc 201 người, đào tạo tại Việt Nam 450 người”, ông Nguyễn Xuân Phương thông tin.
Dự án ĐSĐT Cát Linh-Hà Đông dài hơn 13km, khởi công tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (vốn vay ODA Trung Quốc). Đến nay do nhiều nguyên nhân, dự án đã bị chậm tiến độ gần 2 năm và bị đội giá thêm 250 triệu USD. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đường sắt, Bộ GTVT, nhà thầu là Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt, Trung Quốc.