Trao giải Nobel Hòa bình 2017 cho nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Trao giải Nobel Hòa bình 2017 cho nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân
TPO - Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) - liên minh của 468 nhóm phi chính phủ hoạt động ở 101 quốc gia vừa chính thức trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2017.

Chiều 6/10, Ủy ban Nobel Thụy Điển tuyên bố giải Nobel Hòa bình 2017 thuộc về Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) nhờ “nỗ lực thu hút sự chú ý đối với các thảm họa nhân đạo gây ra do sử dụng vũ khí hạt nhân” và nhờ “thành công đột phá để đạt được hiệp ước cấm phổ biến loại vũ khí hủy diệt này.”

Với sự cố gắng không ngừng của ICAN, vào ngày 7/7/2017, 122 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã tham gia Hiệp ước về Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và 50 nước đã chính thức phê chuẩn nó.

Mặc dù hiệp ước được coi là một tháng lợi vang dội, nhưng công cuộc giải trừ toàn bộ 15.000 vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn còn là một chặng đường dài. Phát biểu tuần này trên AFP, người đứng đầu ICAN – bà Beatrice Fihn nói: “Chúng tôi chưa làm được gì. Công việc của chúng tôi chưa hoàn thành cho đến khi vũ khí hạt nhân bị xóa sổ.”

Trao giải Nobel Hòa bình 2017 cho nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân ảnh 1

Giải Nobel Hòa bình 2017 thuộc về Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN). Ảnh: Nobelprize.org

Beatrice Fihn gọi sự xung đột hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng là “lời kêu gọi thức tỉnh”. “Vũ khí hạt nhân có nguy cơ tiêu diệt toàn bộ thế giới theo nghĩa đen. Miễn là chúng còn tồn tại thì nguy cơ vẫn sẽ còn đó.”, bà Fihn nhận định.

ICAN hiện liên kết 468 tổ chức phi chính phủ ở 101 quốc gia. Ngân sách hoạt động hàng năm của ICAN là khoảng một triệu USD, lấy từ các khoản đóng góp tư nhân, từ Liên minh châu Âu (EU) và từ các nước bao gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Đức, Vatican.

Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel nhận định loài người đang sống trong một thế giới “nơi tồn tại nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng nhiều hơn chúng từng được sử dụng suốt một thời gian dài.” Bà Reiss-Andersen nhắc đến vấn đề Triều Tiên và kêu gọi các quốc gia hạt nhân tiến hành đàm phán từng bước để loại bỏ vũ khí.

Từ năm 1901 đến 2016, giải Nobel Hòa bình được trao 97 lần cho các cá nhân và nhóm.

Năm 2016, giải Nobel Hòa bình được trao cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhờ đàm phán thành công thoả thuận hoà bình với lực lượng nổi dậy FARC, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỉ ở nước này.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và là nhà phát minh người Thụy Điển sáng lập. Giải Nobel đầu tiên được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.

Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel Hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Theo Theo BBC, The Guardian
MỚI - NÓNG