Ba nhà khoa học Mỹ, Thụy Sỹ, Anh chia nhau giải Nobel Hóa học

Ba nhà khoa học được vinh danh giải Nobel Hóa học 2017. Ảnh: Kungl.
Ba nhà khoa học được vinh danh giải Nobel Hóa học 2017. Ảnh: Kungl.
TP - Chiều 4/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm công bố giải thưởng Nobel Hóa học 2017 thuộc về ba nhà khoa học Jacques Dubochet (Thụy Sỹ), Joachim Frank (Mỹ) và Richard Henderson (Anh) vì phát triển kính hiển vi điện tử để xác định cấu trúc phân giải cao của phân tử sinh học.

Công trình này đã cho phép các nhà khoa học thấy được cấu trúc của phân tử sinh học và các tiến trình liên quan tới chúng, góp phần quan trọng cho nhiều nghiên cứu gần đây, trong đó có việc theo dõi virus Zika gây nên những phá hủy não bộ của trẻ sơ sinh.

Giải thưởng hóa học năm nay được cho là bất ngờ lớn vì một số công trình nghiên cứu khác được cho là có nhiều khả năng đoạt giải hơn như công trình nghiên cứu của các nhà hóa học người Mỹ John Bercaw, Robert Bergman và nhà nghiên cứu người Nga Georgiy Shul’pin hay công trình nghiên cứu về các phản ứng hóa học xúc tác không đồng nhất của nhà hóa học người Mỹ Jens Norskove... Mặc dù vậy, các nhà khoa học đều công nhận, giải thưởng năm nay xứng đáng và nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của ngành sinh hóa.

Nhờ sự phát triển của kính hiển vi điện tử, chúng ta có thể sớm có được hình ảnh chi tiết về các máy móc phức tạp của cuộc sống với độ phân giải nguyên tử.  Phương pháp này vừa làm đơn giản hóa, vừa cải thiện hình ảnh các phân tử sinh học mà mắt thường không thấy được. Kính hiển vi điện tử này có thể chụp ảnh được cả các vật chất chết bằng chùm electron mạnh phá hủy vật liệu sinh học.

Như vậy, cho tới nay, tổng cộng 9 nhà khoa học đã được trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và đều là các nhà khoa học nam. 108 giải Nobel Hóa học được trao từ năm 1901 tới nay đã vinh danh 175 nhà khoa học, trong số đó có 4 nhà khoa học nữ. Nhà khoa học Marie Curie đoạt giải năm 1911 và con gái của bà (nhà khoa học Irène Joliot-Curie) chia sẻ giải Nobel Hóa học năm 1935 với chồng là ông Frédéric.

Nhà khoa học nữ Dorothy Crowfoot Hodgkin được vinh danh năm 1964 và tới 45 năm sau mới có một phụ nữ khác đoạt được giải thưởng này vào năm 2009 là bà Ada Yonath.

Cho tới nay, chỉ có một nhà khoa học hai lần đoạt giải Nobel Hóa học là Frederick Sanger, người Anh. Ông đoạt giải vào năm 1958 với công trình nghiên cứu cấu trúc phân tử của insulin và chia sẻ giải thưởng vào năm 1980 với hai nhà khoa học Paul Berg và Walter Gilbert nhờ công trình nghiên cứu về sự sắp xếp ADN.

Theo Theo The Guardian, NY Times
MỚI - NÓNG