Thiết kế cỗ máy nhỏ nhất thế giới đoạt giải Nobel Hóa học

Bộ 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2016. Từ trái sang: Jean-Pierre Sauvage (Pháp), Sir J. Fraser Stoddart (Mỹ) và Bernard L. Feringa (Hà Lan).
Bộ 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2016. Từ trái sang: Jean-Pierre Sauvage (Pháp), Sir J. Fraser Stoddart (Mỹ) và Bernard L. Feringa (Hà Lan).
TPO - Nhóm 3 nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage (Pháp), Sir J. Fraser Stoddart (Mỹ) và Bernard L. Feringa (Hà Lan) có công thiết kế cỗ máy phân tử vừa được trao giải Nobel Hóa học 2016.

Giải Nobel Hóa học 2016 vừa được trao cho bộ ba 3 nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa với công trình “thiết kế và phát triển cỗ máy phân tử.”

Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 tại Pháp, hiện là giáo sư danh dự tại Trường ĐH Strasbourg (Pháp). Ông J. Fraser Stoddart sinh tại Anh năm 1942 và hiện làm việc tại Trường ĐH Northwestern (Mỹ). Ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 tại Hà Lan, hiện là giáo sư tại Trường ĐH Groningen (Hà Lan).

Nhóm 3 nhà khoa học này đã tìm ra cách kiểm soát và điều khiển hướng chuyển động của các phân tử. Điều này có thể giúp các phân tử hoạt động như một cỗ máy khi được bổ sung năng lượng.

Cỗ máy phân tử có thể hiểu là thiết bị xây dựng nên từ những cấu trúc bậc nano có thể thực hiện những thao tác tương tự như chuyển động cơ học, đáp ứng lại một kích thích bên ngoài (đầu vào).

Những bước đầu tiên của việc phát triển cỗ máy phân tử được Jean-Pierre Sauvage phát triển từ năm 1983, khi ông kết nối thành công hai phân tử hình vòng với nhau để tạo thành một chuỗi, gọi là catenane.

Thông thường, các phân tử kết nối với nhau bằng liên kết hóa trị, dựa trên nguyên lý chia sẻ các electron. Nhưng trong chuỗi catenane, các phân tử có thể liên kết với nhau một cách cơ học.

Giai đoạn thứ 2 của nghiên cứu được tiến hành bởi Fraser Stoddart vào năm 1991 khi ông phát triển một “dây chuyền phân tử” có khả năng khiến một chiếc vòng phân tử di chuyển dọc dây chuyền.

Bernard L. Feringa là người đầu tiên phát triển một động cơ phân tử vào năm 1999 khi ông làm cho lưỡi cánh quạt phân tử quay liên tục theo một hướng.

Kết quả nghiên cứu của 3 nhà khoa học này có thể sẽ được sử dụng trong việc chế tạo ra các vật liệu mới, các loại cảm biến hoặc thiết bị lưu trữ năng lượng.

Số tiền thưởng 8 triệu Krona (tiền Thụy Điển, tương đương 20,7 tỉ đồng) sẽ được chia đều cho 3 nhà khoa học.

Theo Theo Nobelprize.org
MỚI - NÓNG