Những người được trao thưởng nhận được số tiền mặt là bao nhiêu?
Giải Nobel là một tập các giải thưởng quốc tế được trao thưởng hàng năm kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học, Kinh tế và Hòa bình, trong đó các giải thưởng có thể được trao cho một hoặc nhiều cá nhân.
Giải thưởng ra đời bắt nguồn từ ý nguyện của nhà bác học, đồng thời là nhà công nghiệp người Thụy Điển Alfred Nobel (1833-1896) với mong muốn dành toàn bộ thu nhập hàng năm từ khối tài sản lớn của mình cho các công trình phục vụ lợi ích của con người. Alfred Nobel, người sáng chế ra thuốc nổ, đã ghi nguyện vọng đó trong chúc thư lập tại Paris năm 1895, tức là một năm trước khi ông qua đời.
Theo di chúc, tài sản của ông để lại khoảng 31,5 triệu cua-ron Thụy Điển, tính theo giá trị hiện tại có cộng thêm trượt giá giờ được tính là trên 200 triệu đô la Mỹ, được làm vốn lấy lãi hàng năm để trao thưởng cho “những người đã có những công trình đóng góp to lớn cho nhân loại trong năm trước”.
Mỗi cá nhân, tổ chức được trao giải Nobel sẽ nhận được một huy chương Nobel, một bằng khen và một khoản tiền thay đổi tùy theo lãi của Quỹ Nobel (trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển). Theo tính toán của Nobel, những năm đầu, mỗi giải thưởng tương đương 15 năm lương của một giáo sư đại học. Năm 1960, mỗi giải trị giá 225.987 cua-ron Thụy Điển, trong khi cuối những năm 1990, số tiền trao thưởng cho những người được giải là 7,9 triệu cua-ron (tính theo giá trị tại thời điểm trao giải). Kể từ tháng 12/2015, những người được vinh danh tại giải Nobel sẽ nhận được 8 triệu cua-ron, tương đương với 970.000 USD.
Tuy nhiên so với năm 2011, khoản tiền mặt thưởng cho những người đoạt giải Nobel trong năm 2015 đã bị giảm 20%. Đây là lần đầu tiên sau 63 năm, giải thưởng uy tín này bị cắt giảm. Trước đó vào năm 1949, khoản tiền mặt của giải thưởng cũng bị giảm nhưng tăng dần trong những năm tiếp theo. Theo Quỹ Nobel, việc cắt giảm diễn ra trong bối cảnh họ phải đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế, đặc biệt là ở các thị trường chứng khoán mà Quỹ Nobel đầu tư nhiều.
Người đạt giải Nobel dùng tiền thưởng vào mục đích gì?
Những người đoạt giải Nobel sẽ làm gì với số tiền thưởng gần 1 triệu USD luôn là vấn đề mà giới truyền thông và dư luận quốc tế quan tâm. Đối với một số người đạt giải, sau một thời gian dài cống hiến cho khoa học nhân loại, họ xứng đáng được sử dụng khoản tiền thưởng có giá trị lớn vào sở thích cá nhân.
Khi Sir Paul Nurse, hiện là giám đốc của Viện Crick Francis, Anh giành giải Nobel Y sinh vào năm 2001, ông đã tự thưởng cho mình một chiếc xe máy Kawasaki GPZ. Cảm thấy vẫn chưa đủ, ông đã tự “lên đời” cho bản thân bằng một chiếc xe Triumph Bonneville, theo lời kể của các đồng nghiệp. Sir Paul Nurse không phải là người duy nhất dùng tiền thưởng phục vụ cho sở thích xe cộ. Franco Modigliani, người thắng giải Nobel Kinh tế năm 1985, mặc dù từng hứa sẽ không tiêu pha quá đà với giải thưởng của mình, đã dùng tiền thưởng để nâng cấp một chiếc du thuyền.
Một số người thắng giải khác thì thiết thực hơn khi tận dụng khoản tiền “khủng” để mở rộng bất động sản. Richard Roberts, người nhận giải thưởng Nobel Y sinh vào năm 1993, chi tiền thưởng cho việc mở một sân cỏ chơi khúc côn cầu rộng 740m2 ngay trong khuôn viên nhà ở của mình.
Trong khi đó, chủ nhân Nobel Văn học năm 1957 Albert Camus, mua một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp để phục vụ cho sự nghiêp văn chương. Nhà viết kịch Eugene O'Neill, được trao giải Nobel Văn học năm 1936, cũng xây một ngôi nhà kiểu châu Á tại bang California bằng tiền thưởng, nơi mà sau này ông viết một số vở kịch nổi tiếng nhất trong sự nghiệp cầm bút.
Thiết thực hơn, một số người dùng tiền thưởng từ giải Nobel để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, cũng như “giắt lưng” một khoản tiền nhằm phục vụ cho tương lai. Sir John Walker – đồng giải Nobel Hóa học năm 1997, chia sẻ: “Tưởng chừng tiền thưởng là một con số khổng lồ nhưng thực sự không phải vậy. Vào thời điểm đó, các con tôi vào đại học. Khoản tiền sẽ giúp tôi an tâm về những chi phí giáo dục ở cấp đại học và sau đại học của chúng.” Đôi với nhà bác học nhận giải Nobel Vật lý năm 1903 Marie Curie, việc nhận giải Nobel đã khiến bà an tâm phần nào với khoản tiền hỗ trợ giúp bà tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhiều người giành giải Nobel, thường là các chính trị gia, nhà hoạt động, lại dùng tiền thưởng phục vụ cho các lợi ích của cộng đồng. Tổng thống Mỹ Barack Obama là một ví dụ. Giải thưởng năm 2009 được ông quyên góp cho nhóm cựu chiến binh, các chương trình trong trường đại học và các tổ chức từ thiện. Liên minh châu Âu (EU) – tổ chức được vinh danh Nobel Hòa bình năm 2012, trao tặng gần 1 triệu euro tiền thưởng của giải thưởng cho những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp lại dùng tiền thưởng để thực hiện mục đích không ai ngờ tới. Nhà vật lý lý thuyết Albert Einstein – chủ nhân giải thưởng Nobel 1921, đã từng cam kết trao toàn bộ giải thưởng từ giải Nobel cho người vợ cũ khi cả hai ly hôn vào năm 1919. Trớ trêu thay, 2 năm sau khi ly dị, nhà bác học người Đức gốc Do thái giành được giải Nobel Vật lý và phải ngậm ngùi sử dụng số tiền từ giải thưởng danh giá để thực hiện vụ ly hôn.
Nhà bác học Albert Einstein sử dụng tiền thưởng Nobel để...ly dị vợ. Ảnh: Bundesarchiv.
Bên cạnh khoản tiền mặt được trao cho những người đạt giải, nhiều người đã đem bán đấu giá tấm huy chương Nobel để trang trải cuộc sống. Nếu như danh hiệu Nobel là vô giá thì những tấm huy chương bằng 150 gram vàng 18 ca-ra chạm hình Alfered Nobel lại có giá của nó, thậm chí là rất cao.
Gần đây nhất, James Watson, nhà khoa học Mỹ được nhận giải nobel Y học năm 1962, đã bán tấm huy chương Nobel của mình cho một tỷ phú người Nga với giá 4,76 triệu USD hồi tháng 12/2014. Trong khi đó chỉ trước đó có 20 tháng, những người được thừa kế của nhà khoa học Anh Francis Crick, nhận chung Nobel Y học với James Watson, lại chỉ bán được tấm huy chương với giá chưa bằng một nửa.
Nhiều người có thể nghĩ những tấm huy chương Nobel có vẻ “được giá” hơn khi chủ nhân của nó còn đang sống. Tháng 5/2015, nhà vật lý người Mỹ 93 tuổi Leon Lederman cũng đã đem bán huy chương Nobel Vật lý nhận năm 1988 với giá 765.000 USD.
Lederman từng sử dụng số tiền thưởng từ giải Nobel năm 1988 để mua một cabin ở Idaho, nhưng ông không chia sẻ dự định dùng số tiền bán huy chương Nobel này. Ông cùng vợ hy vọng hoạt động này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về nghiên cứu vật lý tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Tuy vậy, đôi khi cũng có những trường hợp phải thất vọng. Chẳng hạn gia đình của nhà văn Mỹ William Faulkner - chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1949 - đã phải xin dừng rao bán huy chương hồi năm 2013 sau khi mức giá đạt được không như họ kỳ vọng.