Ba nhà khoa học Anh nhận Nobel Vật lý 2016

Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý 2016: David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz (từ trái sang). Ảnh: Getty Images
Ba nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý 2016: David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz (từ trái sang). Ảnh: Getty Images
TP - Ba nhà khoa học Anh hôm qua giành giải Nobel Vật lý 2016 vì đã phát hiện ra các dạng vật chất kỳ lạ, mở đường cho bước tiến dài trong lĩnh vực vật liệu điện tử, điện toán siêu nhanh.

Ba ông David Thouless, Duncan Haldane và Michael Kosterlitz được nêu danh tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển. Ủy ban Nobel nói rằng, các khám phá của ba ông đã “mở ra cánh cửa vào thế giới chưa biết”. Khi vật chất ở trong điều kiện cùng cực, ví dụ quá lạnh hoặc quá phẳng, các nhà khoa học bắt đầu nhận thấy những điều bất thường ở nguyên tử. Hiện tượng này bổ sung cho các giai đoạn tượng tự của vật chất, khi chúng chuyển từ dạng rắn sang lỏng rồi khí.

Trước tin giành giải Nobel, giáo sư Haldane nói: “Tôi rất ngạc nhiên và rất hài lòng. Nghiên cứu được thực hiện đã lâu, nhưng giờ đây, nhiều khám phá mới quan trọng dựa trên nghiên cứu gốc này và mở rộng nó”. Cả ba nhà nghiên cứu sử dụng toán học để giải thích các hiệu ứng vật lý kỳ lạ trong các trạng thái hiếm của vật chất, ví dụ siêu dẫn, siêu lỏng và phim từ mỏng. Kosterlitz và Thouless tập trung vào hiện tượng xuất hiện khi vật chất ở dạng phẳng – trên bề mặt hoặc bên trong các lớp siêu mỏng có thể được coi là hai chiều. Điều này tương phản với ba chiều (dài, rộng, cao) mà chúng ta thường dùng để miêu tả hiện thực. Haldane còn nghiên cứu các vật chất có dạng sợi mảnh đến nỗi chúng có thể được coi là một chiều.

Quyền chủ tịch Ủy ban Nobel, giáo sư Nils Martensson, nhận định: “Công nghệ tiên tiến ngày nay, ví dụ máy tính, dựa trên khả năng của chúng ta trong việc hiểu và kiểm soát được đặc tính của vật liệu liên quan. Và những người đạt giải Nobel năm nay thông qua nghiên cứu lý thuyết đã khám phá ra những điều bình thường nhưng hoàn toàn bất ngờ trong các dạng vật chất. Điều này có thể được miêu tả theo một khái niệm toán học nổi tiếng – hình học tôpô (ngành hình học nghiên cứu các tính chất không bị ảnh hưởng của sự thay đổi hình dáng và kích thước). Khám phá của họ đã dọn đường cho việc tạo ra các vật liệu mới với đặc tính mới. Khám phá này sẽ rất quan trọng đối với nhiều công nghệ trong tương lai”.

Giáo sư Nigel Cooper (Đại học Cambridge) cho rằng, khám phá mới sẽ không được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, như đưa vào điện thoại iPhone, mà được áp dụng ở cấp cao hơn, quy mô lớn hơn, ví dụ các phòng thí nghiệm của chính phủ trên khắp thế giới. “Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem các khái niệm tôpô có thể được sử dụng trong thiết bị lượng tử có khả năng làm được những việc mà máy tính hiện nay không thể làm được”, giáo sư Cooper nói. Dự án Station Q của Microsoft đang từng bước phát triển máy tính lượng tử siêu mạnh, tính toán siêu nhanh. Ngoài ra, kim loại tôpô có thể được sử dụng trong ngành sản xuất chất bán dẫn hoặc bóng bán dẫn thế hệ mới, ông nói.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG