Ngày 8/3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021 - 2030.
Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM là một trong những chương trình đột phá của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 đã chậm trễ 2 năm, do đó nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của TPHCM thì những nghiên cứu vừa qua sẽ phải bỏ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trao đổi tại hội nghị. |
Ông Hoan đánh giá, 5 huyện ngoại thành đều đi lên theo thế mạnh riêng của mình nên cần xác định rõ chức năng, thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, huyện Cần Giờ là đô thị du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; Nhà Bè là đô thị cảng biển gắn với lợi thế sông nước; Hóc Môn là đô thị sinh thái với dịch vụ làm trọng tâm; Bình Chánh và Củ Chi phát triển theo hướng đô thị phức hợp gắn với đặc thù địa phương.
“Việc phát triển đô thị phức hợp nhằm tạo ra các sản phẩm bổ trợ những khiếm khuyết của đô thị trung tâm”, ông Hoan nói thêm và nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu phát triển các huyện thành các đô thị vệ tinh của TPHCM theo hướng đô thị hiện đại, đô thị xanh, đô thị có định hướng phát triển vượt trội, tránh phát triển đô thị theo “vết dầu loang”, tự phát.
Ông Hoan cho rằng, hiện các huyện ngoại thành đang nằm trong tình trạng này nên không thể phát triển được. “Không gian rộng lớn nhưng cuộc sống chật hẹp, nghèo nàn, nhà trọ chật chội,... Phải nghiên cứu để phát triển đô thị có định hướng, nhìn ở khía cạnh phát triển toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, hạ tầng, quản trị, quản lý đô thị để định hình phát triển đô thị mới mang dáng dấp hiện đại”, ông Hoan nêu rõ.
Xã hội hóa xây dựng đô thị
Cũng theo ông Hoan, thành phố đã hoàn thành 5 đề tài nhánh và được thông qua hội đồng, qua các báo cáo khoa học... Đây là cơ sở để xem xét đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của TPHCM và 5 huyện cũng như các ngành. Do đó, 5 huyện và các ngành liên quan đến 5 đề án nhánh này nghiên cứu những đề án nhánh khác để bổ sung, trong đó lưu ý các địa phương nỗ lực chuyển các chỉ tiêu phát triển thành chỉ tiêu phấn đấu đạt được về dân số, văn hoá, trường học…
Ông cũng nêu rõ, trong đó cần chú ý chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn chỉ tiêu về nông nghiệp thì cố gắng duy trì ổn định. Đồng thời các huyện lưu ý phấn đấu lên đô thị loại 3 nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội phải đạt mức đô thị loại 1. Mặt khác, ngoài ngân sách nhà nước là cơ bản, nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng đô thị ở các huyện.
Định hình con người đô thị, lối sống đô thị
Nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện ngoại thành mang tính bền vững, UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng các huyện nghiên cứu 5 đề án nhánh gồm: Kinh tế đô thị, Hạ tầng đô thị, Bộ máy đô thị, Văn hóa đô thị, Con người đô thị.
Trong số các đề án nhánh, lần đầu tiên TPHCM chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề con người đô thị nhằm xây dựng và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi người nông dân thành thị dân.
Về kết quả nghiên cứu 5 đề án nhánh, các chuyên gia cho rằng, 5 huyện cần lưu ý đến các giải pháp đề xuất xây dựng và định hình con người đô thị, lối sống đô thị.