Tranh cãi quanh 'Xứ Đông Dương'

Độc giả tranh cãi tại tọa đàm về “Xứ Đông Dương”. Ảnh: Alphabooks.
Độc giả tranh cãi tại tọa đàm về “Xứ Đông Dương”. Ảnh: Alphabooks.
TP - Không có thời gian đi sâu mổ xẻ hơn 600 trang sách, nhưng khán phòng tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối 6/4 nóng lên quanh những điều chưa thỏa mãn về cuốn sách từng gây xôn xao vì dịch sai, cũng như thân thế, sự nghiệp của tác giả Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương, trong 5 năm.

Chưa hết tranh cãi

Cuốn sách từng ấn hành cuối năm 2015 nhưng bị phản ứng vì “sách thì hay mà dịch thì sai kinh khủng”, nay được GS Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, chính thức phát hành từ tháng ba. PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao - một trong ba vị chủ tọa buổi tọa đàm Xứ Đông Dương mở đầu bằng ý kiến muốn đọc bản gốc để “nhận biết cái tinh túy, bởi khi dịch mất đi mấy chục phần trăm”. Dẫu vậy ông cho rằng thông điệp, giá trị của nó còn nguyên và độc giả nên đón đọc để thấy cả một thời kỳ bi thương của dân tộc Việt dưới cái nhìn khác đi.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý in nhiều sách về Hà Nội lúc đầu khá e dè vì nghĩ đây là sách của nhà chính trị, sau nhận thấy “không có ranh giới giữa văn nghị luận có tính chính trị, báo cáo với chất văn chương”. Ai đó nói văn chương là một phần của người Pháp. Không riêng Paul Doumer, mà nhiều tác phẩm chính trị của Mitterrand, Charles de Gaulle nhiều văn hơn cả các văn sỹ. TS Dương Văn Quảng không ngạc nhiên trước cái hay văn chương trong Xứ Đông Dương vì lẽ đó.

Có người kịp đọc hết Xứ Đông Dương, thắc mắc không thấy Paul Doumer “nói xấu” người Việt nhiều, hẳn do người dịch né tránh? Đại diện những người làm sách thành thật, nhóm dịch thuật có khoanh tròn một số đoạn, nhưng hoàn toàn không phải theo nghĩa này. Những đánh giá của Paul Doumer được chuyển nghĩa đúng: “Người An Nam chắc chắn là dân tộc người ưu trội hơn so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không chống lại được họ. Không quốc gia nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có dân tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam”. Một lỗi khác thuộc về lịch sử được độc giả nhắc tới, hóa ra là do sự hiểu sai của người viết.

Xứ Đông Dương trong nguyên bản tiếng Pháp là Indochine francaise (Đông Dương thuộc Pháp), nhóm dịch chọn tên này khiến nhà nghiên cứu và phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành nổi xung. Một nữ cử tọa cũng đồng tình, nói về sự “vấp cảm xúc” khi đọc tên sách, dẫu trong sách đã có chú giải nói rõ điều này. Khách mời ngồi ghế chủ tọa cười, không được mời để nói về dịch thuật, bản thân ông Quảng cũng nhất trí cứ dịch thẳng Đông Dương thuộc Pháp, vì đây là hồi ký. Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT, CEO của Alpha Books phân trần một số điều bị thay đổi trong cuốn sách vì nhiều lí do, hứa sẽ tiếp thu trong những lần tái bản sau. Trong đó phải kể nhóm dịch không tìm ra bản tiếng Hán bài thơ Nguyễn Trọng Hợp, dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt khiến câu chữ ngô nghê.

Có nên ca ngợi Paul Doumer?

Paul Doumer nắm chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902, trùng thời kỳ Pháp khai thác thuộc địa lần thứ nhất. PGS.TS Dương Văn Quảng nhắc lại cùng với lợi ích nước Pháp thu về, cuộc khai thác này tạo ra không ít bi kịch của những người thợ mỏ, thợ cao su, sự bóc lột người nông dân, công nhân và tác động đến tâm lý, con người Việt Nam. Trước khi Paul Doumer sang Đông Dương, nước Pháp từng tranh cãi có nên tiếp tục giữ mảnh đất thuộc địa này vì không thu lại được gì. Chỉ một năm sau khi đặt chân đến, Paul Doumer thay đổi hình thức thu thuế, khiến ngân khố tăng đột biến và không cần khoản tiền từ chính quốc rót tới nữa.

Liệu chúng ta có nên ca ngợi Paul Doumer, hay phải đánh giá ông này thế nào? Câu hỏi này không chỉ là thắc mắc riêng của một cử tọa trẻ. Thời lượng chưa đầy hai giờ đồng hồ chủ yếu xoay quanh tranh cãi về con người Paul Doumer và những điều ông làm khi nắm quyền tại Đông Dương.

Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh sự tiếc nuối của Paul Doumer khi “đến nơi này quá muộn, không cứu vãn được nhiều di tích”. Thành cổ Hà Nội bị phá là một trong những điều tiếc nuối ấy, không riêng của người Việt. Trước thời Paul Doumer, Hà Nội rất sơ khai, khu phố tây không có gì đáng kể ngoài Tràng Tiền-Tràng Thi. Một số cuốn sách khác cũng nhắc Paul Doumer là người quyết liệt nạo vét Hồ Gươm, tạo nên diện mạo mới.

Con mắt hoạch định đã khiến Paul Doumer làm nên kỳ tích khi quy hoạch xong Hà Nội, kịp để lại hệ thống cơ sở hạ tầng còn dấu vết đến ngày nay: Ba cây cầu trong đó có Long Biên, hệ thống đường sắt Bắc-Nam. Diễn giả dẫn Hồi ký Lý Quang Diệu: Có thể lên án chủ nghĩa thực dân ở mọi điều, nhưng nên giữ bốn điều là ngôn ngữ, hệ thống pháp lý, hệ thống hành chính, giáo dục. Với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội thời Paul Doumer được kiến tạo thành một trạm “dừng chân đẹp” để Pháp theo đuổi tham vọng bành trướng tới phía Nam Trung Quốc. TS. Dương Văn Quảng đồng tình, thực tế Pháp phát triển đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn.

“Dân tộc nào muốn xây dựng tương lai phải biết lịch sử. Lịch sử một dân tộc do chính dân tộc đó làm nên, có những người không thuộc dân tộc đó nhưng can dự vào. Đánh giá về nhân vật lịch sử theo góc nhìn mỗi người, phụ thuộc thời đại đang sống”, ông Quảng kết luận. Tuy không trả lời thẳng, nhưng lúc mở đầu, ông Quảng chỉ ra ba loại người đi xâm chiếm, những người truyền đạo và người đến để khai thác thuộc địa-Paul Doumer thuộc loại này. “Đánh giá thế nào tùy góc nhìn, nhưng chắc chắn Paul Doumer là nhà thực dân”, ông Quảng nói.

Ra mắt cộng đồng đọc sách tinh hoa

Cộng đồng OMEGA do Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) thành lập từ tháng 1/2016, quy tụ những độc giả, dịch giả, biên tập viên và nhà tư vấn đam mê sách thuộc nhiều lĩnh vực. Hiện cộng đồng thu hút hơn 1.700 thành viên, có thể tham gia tư vấn chọn sách hay, dịch thuật, hiệu đính, biên tập và nhiều công đoạn khác để có thể đưa đến danh mục những cuốn sách tinh hoa còn thiếu nhất cho người Việt.

MỚI - NÓNG