Đọc sách để bắt đầu ước mơ

Tranh cổ động đọc sách cho trẻ từ 6 tháng tuổi ở Bỉ.
Tranh cổ động đọc sách cho trẻ từ 6 tháng tuổi ở Bỉ.
TP - Nữ y tá già làm việc tình nguyện cho tổ chức Trẻ em và Gia đình hờ hững nhìn tôi bế con bước vào. Nhưng khi lật giở sổ theo dõi sức khỏe, đôi mắt bà sinh động hẳn, mở ngăn kéo lấy một cuốn sách đưa cho tôi “bắt đầu đọc hàng ngày cho trẻ 6 tháng tuổi được rồi đấy”.

Đó là cuốn sách đề cập ích lợi của việc đọc sách thường xuyên cho trẻ ngay từ giai đoạn ấu thơ, khi em bé bắt đầu 6 tháng tuổi, cổ đã cứng và ngồi khá vững. Bé chưa hiểu ngôn ngữ nhưng thích xem tranh ảnh, khoái nghe giọng thủ thỉ của bố mẹ kề bên tai. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ càng tiếp xúc sách sớm kỹ năng ngôn ngữ càng nâng cao, biết đọc nhanh hơn. Bằng cách ôm trẻ vào lòng đọc sách, tình cảm người lớn và trẻ nhỏ khăng khít hơn, tạo cảm giác an toàn, bồi đắp nhiều kỷ niệm ấm áp và ngọt ngào theo suốt đời người.

Ích lợi thế mà thực hiện không dễ. Trẻ vị thành niên ở Bỉ thường kể câu chuyện hài này giễu cha mẹ “Lúc tôi nhỏ xíu cha mẹ cứ bắt tập đi, tập nói. Lúc tôi biết chạy, biết hát cha mẹ lại quát: ngồi yên, im mồm”.

Trường mẫu giáo năm nay tiếp tục gửi thư về nhà vận động phụ huynh, ông bà hoặc hàng xóm tình nguyện đến trường đọc sách cho trẻ nghe. Chỉ bỏ ra 1- 2 tiếng vào đầu giờ sáng hoặc buổi chiều đến đọc sách, sẽ hiểu vì sao nhà trường lại đặt tên “Đọc sách là cách bắt đầu ước mơ” cho phong trào này. Một buổi sáng cuối đông, lớp băng mỏng còn hồ cứng bờ rào, tôi nấn ná nghển cổ nhòm vào sân trường mù sương, mờ ảo mấy bóng người lớn tựa bên bậu cửa hoặc ngồi trên ghế giở sách ra đọc thành tiếng. Không cần mời gọi, bọn trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi đang hò hét huyên náo bỗng rời khu vui chơi, lẳng lặng vây quanh người đọc, há miệng ra nghe như chim non hóng mồi.

Đọc cuốn Phút giây huyền diệu, thấy nhà văn Ma Văn Kháng nhắc câu nói của Jean- Paul Sartre “Tôi đang viết, tôi sẽ viết những cuốn sách. Cần có sách, dù sao cũng hữu dụng. Văn hóa chẳng cứu vớt được ai, chẳng cứu vớt được cái gì, văn hóa không biện hộ. Nhưng đấy là sản phẩm của con người, con người tự phóng chiếu trong đó, tự nhận ra mình trong đó...”. Nghe trong khiêm nhường ấy có tủi hờn, cô độc. Không chắc cứu rỗi được ai, nhưng nhìn bọn trẻ bỏ cả chơi để nghe đọc sách, tôi tin trường mẫu giáo đúng, sách là cửa sổ mở vào thế giới ước mơ. 

Điều này đẹp đẽ như Khaled Hosseini trong tiểu thuyết Người đua diều đã miêu tả cậu bé Hassan người Afghanistan mù chữ ngồi xếp bằng tròn, ánh nắng và bóng lá cây lựu vờn múa trước mặt, nước mắt ứa ra khi nghe cậu chủ Amir đọc sách. Một lần, Amir tự bịa câu chuyện khác trong khi vẫn lật giở từng trang sách, bất ngờ Hassan vỗ tay “Đó là câu chuyện hay nhất cậu đọc cho tôi lâu nay đấy”. Như một kho tàng vừa được phát hiện, ý nghĩ phụt ra như pháo hoa, nhà văn tương lai Amir ra đời nhờ phát hiện của người bạn mù chữ.

Từ buổi chứng kiến cảnh đọc sách trong sân trường mù sương, tôi đã quyết định chi tiền nhiều hơn cho con mua những cuốn sách nhà trường giới thiệu. Mỗi lần đóng gần trăm Euro, nhưng không thấy phát sách luôn một thể. Cứ mỗi tháng con trai nhỏ của tôi lại vác về một cuốn. Giở đến trang nào thằng bé dường như cũng biết trước rồi. Hóa ra cô giáo đã đọc cuốn sách tôi mua (cho con tôi) cho cả lớp nghe. 

Những đứa trẻ không được cha mẹ cho tiền mua sách cũng được hưởng thụ chung kho tàng văn hóa đặc biệt mà sẻ chia không làm ta nghèo đi, ngược lại, tâm hồn thêm giàu có. Ai đọc Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa của Đới Tư Kiệt hẳn chẳng thể quên trong cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, một chiếc va li đầy sách bí mật được mang về thôn nghèo heo hút cheo leo trên đỉnh Thiên Phụng. Những trang sách bị cấm ấy đã rọi vào cuộc đời lầm than lam lũ, khiến cô bé thợ may đi đôi giày hồng nhạt bằng vải mềm đủ mạnh mẽ bước chân ra khỏi huyện Vĩnh Cảnh theo đuổi ước mơ.

MỚI - NÓNG