Tranh cãi quanh triển lãm của 'người yêu nước'

Trần Trọng Tri và các con thuyền hình hạt gạo. Ảnh: N.M.Hà.
Trần Trọng Tri và các con thuyền hình hạt gạo. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Nhiều ý kiến trái chiều được bày tỏ tại Một chuyến đi - triển lãm đầu tay của Trần Trọng Tri - nhà điêu khắc chuyên lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc. Anh thường dùng yếu tố nước trong tác phẩm nên được gọi vui là “người yêu nước”.

Trần Trọng Tri (sinh năm 1978, giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam) từ khi bước chân vào nghiệp điêu khắc toàn làm những tác phẩm mang đề tài dân tộc, Tổ quốc. Từ Con đường lông ngỗng đặt tại đền Hùng lấy cảm hứng từ truyền thuyết My Châu - Trọng Thủy đến Vết đạn đặt tại kênh Xà No, Hậu Giang bắt nguồn từ những vết đạn bắn trên thân cây thời chiến…

Loạt tác phẩm đáng chú ý của Tri là Một chuyến đi được thực hiện từ 2012. Đó là những con thuyền lấy cảm hứng từ hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được đúc bằng kim loại, đựng nước ở trong. Tại triển lãm cá nhân đầu tay đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tri vẫn lấy tên Một chuyến đi tiếp tục trưng bày các phiên bản mới của thuyền. Có con thuyền làm từ composite trong suốt bên trong có hình trứng lấy cảm hứng từ hình ảnh bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Một loạt tác phẩm Chuyến đi bằng thép không gỉ mô phỏng dấu chân trên bùn lầy. Tác giả cũng cho đổ nước vào trong những dấu vết ấy. Anh tưởng tượng, từ thuở hồng hoang, những người Việt đầu tiên đã đến dải đất hình chữ S từ biển khơi. Và những dấu chân đầu tiên họ để lại trên bãi bồi cũng là những dấu chân mở nước.

“Tôi không hướng đến thị trường nên tác phẩm không khả thi lắm khi bày trong gia đình. Tôi muốn nghệ thuật thuần chất của cá nhân tôi, yếu tố thị trường đến sau. Hy vọng trong tương lai có đủ không gian đủ điều kiện để điêu khắc của tôi đi vào cuộc sống”.

Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri

Căn phòng thứ hai của triển lãm thiên về sắp đặt. Tại đây, tác giả bày những mô hình thuyền như thật. Chúng được cấu tạo từ khung sắt sơn đỏ cam. Mỗi chiếc lại được gắn kết bằng một chất liệu riêng: gỗ, tre, mùn cưa, bao bố, vải vụn, giấy báo… Một số chiếc được giới thiệu là thuyền cứu hộ nhưng lại làm bằng những chất liệu không bền vững và cũng không có mái chèo treo lơ lửng trên tường. Trước con thuyền mà một bên dây treo bị đứt, nhà điêu khắc Mai Thanh Vân cảm nhận sự bất lực, thất bại của việc cứu hộ. Chị gợi ý, tác giả nên có cả con thuyền lật úp gây cảm giác mạnh hơn.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải có ý kiến về căn phòng sắp đặt của triển lãm: “Nếu là Tri, tôi chỉ làm phòng bên ngoài, để phòng trong cho triển lãm khác, ý tưởng khác. Mong Tri càng ngày càng phát huy ngôn ngữ biểu hiện. Mong hành vi và ý tưởng của Tri đến gần nghệ thuật ý niệm, khơi mạch nhân loại, không mang câu chuyện lịch sử văn hóa cá nhân chúng ta. Câu chuyện hoang đường trăm trứng chỉ là cái cớ, từ đấy phải xây dựng ý tưởng nghệ thuật. Nghệ thuật không phải để minh họa lịch sử, minh họa văn học”. Đào Châu Hải cũng dặn học trò cũ triển lãm lần sau càng đơn giản càng tốt, cái gì không cần bỏ đi.

Trần Trọng Tri cho rằng, phải xác định rõ mình là ai và xã hội gọi bằng tên gì. Sứ mệnh nghệ sĩ theo anh hiểu trước hết phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của xã hội, chứ không phải thoát ly hiện thực để “hưởng thụ một cuộc sống khác”. Anh nói về nhận định của Đào Châu Hải: “Nghệ thuật cuối cùng chính là sự phát triển của tâm thức. Đơn giản, cô đọng như thầy (Hải) nói là con đường chúng tôi hướng đến. Nhưng với tôi, con đường đó xa. Vẫn còn những điều thú vị trước mắt cần vật vã, trăn trở…”.

Theo nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, việc nệ vào hình dáng thật của những con thuyền khiến triển lãm của Tri rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Theo ông Thượng, hình thức thuyền gợi nhớ triển lãm Hạt gạo (họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức đầu năm 2012), dạng sóng của Chuyến đi giống Ballade Biển Đông của Đào Châu Hải. Ông nói: “Tôi không bảo Tri lấy ý tưởng từ những triển lãm đó nhưng cách làm dẫn đến hình thức tương tự. Triển lãm tốt trong hoàn cảnh Việt Nam với tôi phải hơn thế nữa”.

Trần Trọng Tri nói: “Không riêng gì thầy Thượng mà rất nhiều người khác có quan điểm so sánh như vậy. Như thế rất hời hợt, không phản ánh đúng thực chất câu chuyện nghệ sĩ gửi gắm hay tư chất của nghệ sĩ. Nghệ thuật ngày càng mang tính cá nhân. Đôi khi hai tác phẩm giống hệt nhau nhưng chứa đựng những suy nghĩ rất cá nhân và điều đấy đáng được tôn trọng chiêm ngưỡng hơn cả tác phẩm”. Trần Trọng Tri cho hay, anh sẽ tiếp tục phát huy hình dáng “hạt gạo” của những con thuyền vì nó gợi sự chuyển động và gắn với văn minh lúa nước của người Việt.

MỚI - NÓNG