Bộ Nội vụ đang trình dự thảo, xin ý kiến Chính phủ về Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Quy định số 214 của Bộ Chính trị đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với chức danh Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, các chức danh này đều được xác định là công chức trong cơ quan hành chính nhà nước.
Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị tại dự thảo Nghị định này để bảo đảm thống nhất quy định về tiêu chuẩn các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Đối tượng điều chỉnh của Nghị định là công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở bộ, cơ quan ngang bộ; ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ với 19 chức danh từ thứ trưởng đến trưởng phó phòng thuộc huyện.
Trên cơ sở đó, dự thảo nghị định đề xuất tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm: Tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tiêu chuẩn chung về sức khỏe, độ tuổi.
Tiêu chuẩn cho mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về: Vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác, trình độ.
Đáng lưu ý về kinh nghiệm công tác, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Chính trị đã có quy định về tiêu chuẩn chung, nhưng chưa quy định cụ thể thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp là bao nhiêu.
Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc” và bảo đảm nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo quản lý.