Trân trọng độc giả thì độc giả quý ta

Bửu Ý trong buổi ra mắt ba tác phẩm
Bửu Ý trong buổi ra mắt ba tác phẩm
TP - Mệ Huế đi chầm chậm, nói rề rề, làm độc giả ngạc nhiên khi ra mắt ba cuốn sách cùng lúc. Chiều 29-3 tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam, Hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế và tạp chí Sông Hương giới thiệu ba tác phẩm mới này của Bửu Ý.

>> Sân trường đón Trịnh

Bửu Ý trong buổi ra mắt ba tác phẩm
Bửu Ý trong buổi ra mắt ba tác phẩm.

Mới ở đây là vừa xuất bản. Còn nội dung không mới tinh nhưng vẫn đầy ắp tính thời sự và nhân văn. Đó là những tác phẩm đã in sách, in báo trong vòng 40 năm, nay tuyển chọn lại theo từng chuyên đề. Cuốn nào cũng sang trọng và đầy chất trí tuệ, chất Huế, chất suy tư. Bìa ba cuốn sách đều do bạn ông- họa sĩ Đinh Cường ở Mỹ minh họa.

Nước chảy qua cầu là góc nhìn đa diện về lịch sử, địa lý, cuộc sống, con người và văn hóa Huế. Mới đây hội thảo về thương hiệu du lịch Huế, Bửu Ý đề nghị slogan Thành phố lễ hội thường trực, như Paris, quanh năm festival.

Ngày tháng thênh thang, gồm những bài viết ngắn về văn học nghệ thuật, và một số truyện ngắn, một số tác phẩm chuyển thể từ Pháp ngữ, đã in trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn (trước 1975) và các đặc san sau 1975.

Độc giả- bác sĩ Dương Đình Châu đọc Tâm tình với Trịnh Công Sơn của Bửu Ý và “thấy được chân dung của Trịnh Công Sơn qua hơn 30 năm”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng với nguồn tư liệu đồ sộ thì nhiều người cũng có thể viết được về Trịnh Công Sơn nhưng hiểu Trịnh Công Sơn thì ít ai như Bửu Ý. Công của Bửu Ý không chỉ là tư liệu khá đầy đủ và chính xác mà còn dựng lại bối cảnh để mọi người hiểu nhạc sĩ.

"Với nguồn tư liệu đồ sộ thì nhiều người cũng có thể viết được về Trịnh Công Sơn nhưng hiểu Trịnh Công Sơn thì ít ai như Bửu Ý. " - Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Thực tế, trong những bài viết hay nhất về Trịnh Công Sơn có nhiều bài của Bửu Ý. Kể cả điếu văn, kịch bản và lời dẫn các chương trình nhạc Trịnh. Năm 1990, Bửu Ý dành gần hai tháng trời để viết lời giới thiệu cho tập nhạc của Trịnh Công Sơn.

Đó là bài viết gan ruột nhất về người bạn tài hoa: “Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương, một vết thương người, một vết thương thời đại, vết thương thân, phải cưu mang và lưu truyền.

Nhưng không có đoạn truyện nào kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích, mà ngược lại đó là những Tình sầu, Tình xa, Tình vơi. Không còn là cái đẹp của đối xứng, vuông tròn, thuỷ chung. Bởi cùng nhau tắm gội trong biển bấp bênh của thời đại, con người xót xa khám phá ra cái đẹp chông chênh, cái ma lực của chén đắng.

Đời dành riêng cho kẻ nào đã lên tới đỉnh buồn và xuống tới vực thẳm, một đôi mắt bên trong để nhìn ra những vẻ đẹp của mặt đất, của nghịch lý khiến cho y nhận chân cái tất yếu của cô đơn, cái hào quang của thất bại, cái quyến rũ của triền dốc”.

Nhiều người xem ông như là một trạng thái tinh thần của Huế, một người Huế tiêu biểu với bốn nhà trong một: nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả. Bửu Ý trần tình, ông viết chậm, rất khó khăn. Rất tiếc, nhiều tác phẩm gan ruột không thể tìm lại, là tâm tư của một thời mà bây giờ hồi tưởng lại không thể viết được.

Trong buổi giao lưu với độc giả, Bửu Ý thành thật: Không ngờ người đọc rất tinh tường. Cho nên người viết không được đùa bỡn mà phải thận trọng. Trân trọng người đọc thì người đọc quý ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG