Trăn trở 'trồng người'

Trăn trở 'trồng người'
TP - Dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, câu chuyện về những người thầy cắm bản dạy chữ cho trò nghèo vùng cao Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An trên VTV gây xúc động cho hàng triệu người xem truyền hình trên cả nước.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại ấy, những người thầy phải ra suối bắt cá, vào rừng hái măng để lo cho bữa ăn hàng ngày. Đêm vùng cao, trời mưa rả rích, nhớ vợ con dưới xuôi họ chỉ biết lấy điện thoại ra mà… ngắm những tấm hình của người thân.

“16 năm đi dạy, tôi chưa từng được nhận một bó hoa chúc mừng nhân ngày 20/11”, câu trả lời thật thà của một thầy giáo trường Tiểu học Tri Lễ 4 trên sóng truyền hình trực tiếp khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi, suy ngẫm.

Không ngậm ngùi sao được, trong khi giáo viên ở thành phố tràn ngập hoa và các lời chúc tụng thì có những thầy cô dạy học cả đời ở vùng cao chưa bao giờ có được một bông hoa trong ngày 20/11. Không suy ngẫm sao được, trong khi không ít thầy cô vùng xuôi “phải bối rối với những chiếc phong bì được học trò dúi vội” trong ngày 20/11, như lời một cô giáo viết trên Vnexpress.

Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Lương giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, nếu chỉ dạy hợp đồng thì còn thấp hơn. Thầy giáo một trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội cho biết, giáo viên dạy hợp đồng ở trường anh được trả thù lao theo số tiết dạy, khoảng 60 ngàn đồng/tiết, nếu dạy môn chính mới được khoảng trên  2 triệu một tháng. Một thống kê gần đây cho hay, gần 70% giáo viên tiểu học ở TP.HCM cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống gia đình. Có một thực tế, một nghịch lý chua xót rằng, lương của nhiều giáo viên trẻ thấp hơn cả lương bảo vệ.

Song cũng có một thực tế rằng, thu nhập dạy thêm của một cô giáo tiếng Anh có tiếng ở Hà Nội trong một hai buổi có thể bằng lương… cả năm của một giáo viên trẻ dạy trường công !

Trả lời phỏng vấn PV báo Tiền Phong nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Chừng nào đời sống giáo viên chưa đảm bảo, chừng đó các thầy cô chưa thể yên tâm gắn bó với nghề… Nâng cao thu nhập cho giáo viên là điều tôi thực sự trăn trở”.

Đâu chỉ riêng người đứng đầu ngành giáo dục trăn trở, chắc hẳn hàng triệu gia đình và phụ huynh trên cả nước cũng trăn trở, băn khoăn không kém. Bởi chỉ khi các thầy cô đủ sống bằng nghề “trồng người” cao quý, lúc đó họ mới có thể toàn tâm toàn ý vì học sinh thân yêu.

Và từ đó, một nền giáo dục thực sự có chất lượng mới có cơ hội phát triển.

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.