“Đừng nói anh là nhạc sĩ Trần Tiến”
Nhạc sĩ Trần Tiến chuyển xuống Vũng Tàu ở cả chục năm nay. Anh rời khỏi TPHCM hoa lệ và náo nhiệt và người ta thực sự chẳng biết anh làm gì ở đâu và không ít lần lan truyền lời đồn thổi anh qua đời, anh bị trọng bệnh, anh không hát được nữa… Anh xuống Vũng Tàu nhưng người dân ở đó cũng chẳng biết anh là ai, bởi anh chẳng bao giờ tổ chức đêm nhạc, giao lưu, hay xuất hiện trước công chúng.
Nhạc sĩ Trần Tiến chở tác giả bài viết đi tham quan Vũng Tàu |
Thường làm báo Tết mỗi năm, tôi được cử đặt nhạc sĩ Trần Tiến viết bài Tết. Tôi gửi báo biếu cho anh. Tôi đề gửi nhạc sĩ Trần Tiến, số nhà…, đường … Cứ tưởng anh nhận được rồi. Hóa ra người chuyển phát báo tới hỏi chú bảo vệ để gửi báo cho nhạc sĩ Trần Tiến, ông bảo vệ hỏi lại: Ông Trần Tiến là ai? Ở đây không có ai tên thế cả. Trần Tiến “giấu mình” kỹ đến thế.
Trước khi xuống Vũng Tàu thăm anh, tôi gọi điện, anh báo trước: “Anh không uống cà phê em nhé. Anh chẳng bao giờ đi uống cà phê”. Ôi, thế thì người ta không biết đến anh là phải, vì ở phố biển Vũng Tàu, buổi sáng các quán cà phê luôn tấp nập bên sóng biển đì đùng.
Tôi xuống Vũng Tàu, anh đánh xe ô tô đến khách sạn đón tôi, đi lạc đường, anh bảo: “Mình ở Vũng Tàu nhưng ít khi ra bãi tắm lắm. Mình ở ghềnh Hào, khá vắng vẻ, sống vậy cả chục năm cũng quen rồi. Cứ một mình suy tư về cuộc đời, về âm nhạc”.
Chiếc xe ô tô của anh cũ kỹ, hai cầu, leo đồi núi rất tốt. Anh vừa lái xe vừa bảo tôi: “Chiếc xe này anh dùng để đi du ca, không phải để đi tắm biển”. Rồi anh chở tôi lòng vòng, vì anh không biết ghé vào đâu. Cuối cùng chúng tôi dừng chân vào một quán cà phê mộc nhỏ, nằm dưới bóng cây.
Trong khi tôi uống cà phê thì anh lôi ra một cút rượu nhỏ mang theo trong túi quần, như chàng cao bồi miền Tây vậy. Trần Tiến nói: “Anh uống ít thôi, nhưng không có một ngụm rượu thì nói chuyện không được bốc. Mọi người lại thích nghe Trần Tiến nói mới khổ anh chứ!”.
Chủ quán cà phê là một người phụ nữ trạc 50 tuổi, gầy gò, nhưng dáng vẻ quý phái. Cô bê cà phê ra cho tôi, nhưng nhìn chằm chằm người ngồi đối diện đội mũ bê rê, rồi bảo: “Anh này là ai mà tôi thấy quen quen!”.
Trần Tiến lườm tôi, lắc đầu, ý dặn đừng nói gì hết. Tôi hỏi cô chủ quán: “Cô thấy anh này quen à?”. Cô kia bảo: “Đúng, nom quen lắm! Chắc là người nổi tiếng, tôi nhìn thấy ở đâu”. Trần Tiến vội nói lấp đi: “Chắc em nhầm rồi, anh không phải người nổi tiếng em ạ”.
Người chủ quán đi rồi, Trần Tiến bảo tôi thêm lần nữa: “Em đừng bao giờ giới thiệu anh là nhạc sĩ Trần Tiến nhé! Anh không thích ai biết đến anh. Không gì vui hơn sống như một người bình thường”.
Và có lẽ để “giữ bí mật” nên anh Trần Tiến không hát tôi nghe bài nào của anh, chỉ trò chuyện về cuộc đời bao la với biết bao điều vui buồn nếm trải mà ít người biết được.
Con người của những chuyến đi
Chúng tôi ôn lại kỷ niệm và những người bạn bè năm xưa.
Tôi còn nhớ những lần gặp nhạc sĩ Trần Tiến vào những năm 90, cái thời tất cả chúng tôi đều hướng tới cột mốc lịch sử là năm 2000. Trần Tiến viết bài “Hà Nội những năm 2000” với những câu từ làm lòng người rạo rực: “Hà Nội những năm hai nghìn/ Lại nghe tàu điện leng keng/ Để được ngồi gần em hơn/ Ngắm chiều về phố cổ Thăng Long”.
Mỗi lần từ TPHCM ra, Trần Tiến thường ở tại khách sạn Đường sắt, ngay ga Hàng Cỏ, ồn ào vô cùng. Quanh ga toàn dân phe vé, bán quần áo bộ đội thanh lý. Thường thì khách lỡ chuyến người ta mới ở khách sạn đó. Cứ nửa tiếng lại một chuyến tàu chạy gầm vang phố phường. Ấy thế mà nhạc sĩ lại bảo: “Anh chỉ thích ở đây, khi cần lập tức nhảy ngay lên tàu, đi và đến, đến và đi”.
Trần Tiến còn bảo tôi: “Chỗ này khách ra vào suốt ngày, không ai biết anh là nhạc sĩ”.
Đấy là anh nghĩ thế thôi! Tôi vừa thò đầu vào thì cô lễ tân cao ráo và khỏe khoắn đã bảo tôi: “Anh đến tìm nhạc sĩ Trần Tiến phải không?”.
Tôi nghĩ rằng người nghệ sĩ thường có đôi chút ngộ nhận về bản thân, trường hợp này, Trần Tiến luôn nghĩ không ai biết tới mình, nhưng kỳ thực ai cũng biết anh cả!
Hãy cứ tự nhiên!
Tôi tìm tới anh là để phỏng vấn viết bài theo phân công của toà soạn. Nhưng anh bảo: “Anh không thích phỏng vấn, anh không thích viết bài”. Ai mới nghe cũng nản lòng. Nhưng anh lại bảo: “Em cứ đi ăn tối với anh và bạn bè anh, rồi em muốn viết gì thì mặc em, vì đó là công việc của em, đừng kéo anh vào là được”.
Tôi cùng anh đi ăn tối với nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Xuân Thủy và thay vì phỏng vấn viết bài thì tất cả chúng tôi nói đủ chuyện trên trời dưới biển, cũng toàn chuyện đời, chuyện sáng tác, viết lách. Đôi khi, tôi nghĩ những cuộc trò chuyện ấy còn sinh động và giá trị hơn hàng chục cuộc phỏng vấn ghi âm rồi gửi cho tác giả xem lại từng câu chữ trước khi đăng.
Trò chuyện bên biển Vũng Tàu, sau nhiều năm, anh vẫn giữ cách làm việc với báo chí khá độc lạ ấy. Trần Tiến bảo tôi: “Các bạn báo chí thường nói sẽ gửi bài cho anh xem trước khi đăng nhưng chẳng thấy mấy ai gửi, mà anh nghĩ chuyện viết lách là chuyện cá nhân, là người sáng tác thì không nên can thiệp vào công việc của nhau. Vì thế em xem, anh là một trong những nhạc sĩ có rất ít bài phỏng vấn”.
Trần Tiến lựa chọn cách diễn đạt những suy nghĩ của mình bằng tác phẩm âm nhạc và viết lách văn chương: “Mỗi Tết, anh viết mấy báo, trong đó có báo Tiền Phong của em. Anh thích tự mình viết ra những điều mình nghĩ, cho dù đôi khi cũng mệt”.
Bài báo Tết cho Tiền Phong mới đây, anh viết, gửi cho tôi, vài hôm sau, anh nhắn: “Em đọc thấy thế nào? Anh định viết lại hoặc viết thêm gì đấy, nhưng đang mệt quá. Nếu em thấy đọc được rồi thì thôi”. Tôi với anh thống nhất không viết lại nữa, “cứ để mọi thứ tự nhiên, cả những suy nghĩ cũng vậy”.
Tôi gửi bài ra tòa soạn, nhưng khổ nỗi không có ảnh. Hỏi anh, thì anh bảo: “Anh làm gì có cái ảnh nào! Thôi được, để anh đi studio nhờ họ chụp cho mấy cái rồi gửi cho báo. Đã lâu lắm rồi không chụp ảnh!”.
Thiểu số và đa số
Trần Tiến có một triết lý sáng tác đó là tự mình đi mà thành đường, đừng bao giờ đi trên con đường người khác đã đi, vì như thế thì dù ta đi nhanh cỡ nào thì họ cũng đã đến trước và chờ ở cuối đường rồi!
Đôi khi, cảm giác Trần Tiến như một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà khảo cổ, một nhà dân tộc học vậy. Ngõ ngách nào, vùng đất nào xa xôi, anh cũng từng đặt chân tới.
Tôi có người bạn từng đưa nhạc sĩ Trần Tiến đi thực tế sáng tác. Bạn tôi kể: “Trần Tiến cứ xin đi vào làng bản, lên núi cao, lúc nào cũng trầm tư, tìm kiếm tư liệu sáng tác. Đến tận sát ngày về, bất chợt gặp một gia đình có cây đàn lạ lắm, Trần Tiến tìm hiểu về cây đàn, rồi nhìn thấy đàn dê trên núi nữa. Thế là anh viết ra bài Giấc mơ Chapi”.
Bài hát ấy có những câu: “Ở nơi ấy họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglay”.
Nhờ bài hát của Trần Tiến mà nhiều người biết tới cây đàn Chapi độc đáo của Việt Nam, cây đàn làm toàn từ cây tre và cả sợi dây đàn cùng làm bằng tre. Sau khi bài hát ra đời, người Raglay được biết tới nhiều hơn, có nhiều dự án xóa đói giảm nghèo đến với họ.
Tương tự là bài “Tiếng trống Paranưng” viết về một nhạc cụ độc đáo của người Chăm đã khiến nhạc cụ này trở nên phổ biến hơn ngay trong cộng đồng người Chăm. “Paranưng ôi tiếng trống ru lòng tôi” (Trần Tiến).
Dường như Trần Tiến luôn đứng về “phe thiểu số” về những người ít được biết đến, anh thường viết về những gì có thể bị mai một, có nguy cơ bị lãng quên.
Trần Tiến nói với tôi: “Âm nhạc của anh có thể hơi buồn, tuy nó không có cái hùng tráng hay vui tươi như của nhiều người khác nhưng nó là những suy nghĩ và cảm xúc chân thật nhất của anh về cuộc đời, về con người”.
Giá trị của âm nhạc
Trong các câu chuyện, nhạc sĩ Trần Tiến thường nói về cát xê, về chuyện người nghệ sĩ sẽ được gì sau những sáng tác của mình, nhưng trong các cuộc nhậu, anh luôn là người tranh phần trả tiền.
Trần Tiến nói: “Những nhạc sĩ Sài Gòn trước đây, như Lam Phương chẳng hạn, viết một ca khúc có khi được trả cát xê một chiếc ô tô. Nếu tính như vậy, có lẽ Trần Tiến phải có 200 cái ô tô. Nhưng thế hệ của anh thì khác, chỉ sống bằng lương, đi sáng tác là để đem lại những bài hát mới và hay cho mọi người cùng hát, không một đồng cát xê nào hết. Từ chiến tranh, tới thời bình, khi sáng tác trong đầu Trần Tiến không bao giờ biết nghĩ đến đồng tiền, chỉ biết nghĩ tới một bài hát hay”.
Vào những năm đổi mới sau 1986, thế hệ chúng tôi rất thích những bài hát của Trần Tiến, có thể nói đổi mới đã đem âm nhạc Trần Tiến đến cho mọi người, dù nhiều bài anh viết còn trước cả thời đổi mới. Cũng thời kỳ ấy, anh gặp những rắc rối xung quanh một số bài hát mang tính “tả thực” về tiêu cực xã hội. Trần Tiến nói với tôi: “Nói về sự thật không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng những gì bị hiểu sai rồi người ta cũng sẽ hiểu đúng thôi, cuộc sống là vậy”.
Trần Tiến không bao giờ ngừng viết. Trong những ngày cách ly xã hội vì COVID-19, anh nhờ tôi đi tìm mua đồ thu âm tại nhà để vừa sáng tác vừa hát, vì giãn cách không thể gặp được các ca sĩ.
Cuộc trò chuyện của nhạc sĩ Trần Tiến với tôi tại Vũng Tàu trong tháng Giêng năm Quý Mão này cũng không ngoài câu chuyện sáng tác. Trần Tiến như một con tàu ngoài biển khơi kia, luôn muốn tìm đến những chân trời mới lạ dù sóng gió bao quanh.
Trần Tiến bảo tôi: “Để hôm nào anh sẽ hát em nghe mấy bài anh mới sáng tác nhé”, nhưng anh lại dặn: “Em đừng nói với ai anh là nhạc sĩ nghe chưa”. n 2/2023
T.N.A