1. Buổi ra mắt cuốn sách “Chuyện nhà Bông Bờm Bách” diễn ra trong không gian ấm cúng của một quán cà phê nhỏ. Hà Nội vẫn đang nằm trong cơn bão số 3. Nhưng điều đó không ngăn được việc người ta vẫn ùn ùn kéo đến để gặp bố con nhà Trần Lực. Thậm chí có những gia đình ở tận tỉnh Bình Dương cũng “công du” Hà Nội để được gặp và được chính tác giả ký tặng sách. Quán trở nên chật chội, kẻ đứng người ngồi, nhưng ai cũng phấn khởi.
Trong số họ có những cô gái trẻ . Nhưng chiếm phần đông vẫn là “các mẹ bỉm sữa” dắt theo đội ngũ fan nhí hùng hậu. Thế mới thấy sức hút của bộ ba Trần Bách, Trần Bông và Trần Bờm cũng không hề thua kém ông bố nổi tiếng.
Tranh của Nguyễn Văn Hổ
Dí dỏm, ngộ nghĩnh, đáng yêu và hài hước là những từ để miêu tả cuốn sách này, nơi tập hợp những câu chuyện ngắn xoay quanh cuộc sống thường nhật của gia đình Trần Lực. Đối với bất cứ ai đã từng xem “Bố ơi mình đi đâu thế?” phiên bản Việt mùa đầu tiên, chắc chắn sẽ không thể nào quên được cậu bé Trần Bờm nghịch ngợm, hồn nhiên đến hài hước và ông bố Trần Lực “tuổi cao sức yếu” lúc nào cũng thua trong các thử thách sức lực nhưng nụ cười luôn nở trên môi.
Trong nhà Trần Lực, không lạ lẫm những câu “Con ghét bố nhất trên đời!”, “Bố bị dở hơi!”, “Bố bị thần kinh!”... Người ngoài thấy thế, bảo anh không biết dạy con, nhưng Trần Lực vẫn kiên định giữ vững không khí ấy như một “bản sắc”.
Đến với “Chuyện nhà Bông Bờm Bách”, độc giả mới nhận ra, độ nghịch ngợm của Trần Bờm trên tivi vẫn chưa là gì so với ở nhà, cùng với “đồng bọn” Trần Bách và Trần Bông. Và mới thấy, “nội công” của ông bố già Trần Lực thâm hậu đến nhường nào, để có thể sống yên với các “thế lực thù địch”.
Một ông bố ngoài 50 với 3 đứa con nhỏ tuổi: Bông - điệu từ khi mới ra sinh ra đời, hay bị các em đành hanh; Bờm - ra khỏi bụng mẹ là láo liên nhìn quanh, luôn luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh, với câu hỏi “tại sao” luôn ngự trị trong đầu; Bách - nỗi kinh hoàng của anh Bờm, là sự sợ hãi của chị Bông, là Bách “hổ báo” chính hiệu; mẹ Mỹ Trang với tên gọi đầy “thương yêu” mà cả nhà dành cho: cô phù thuỷ cưỡi chổi, do bị mắng mấy lần nên giờ gọi ngắn gọn là “cô Thuỷ” cho nó… nhẹ. Qua những mẩu chuyện con con ấy, người đọc sẽ nhận thấy tiếng cười luôn ngập tràn trong gia đình vị đạo diễn nổi tiếng này.
Dù đi theo con đường phim ảnh nhưng văn chương không hề xa lạ với Trần Lực, bởi gia đình anh có truyền thống viết lách từ bao đời, từ bố là nhà viết kịch bản chèo NSND Trần Bảng đến ông nội là nhà văn Trần Tiêu, ông chú là nhà văn Khái Hưng. Thế nên, dòng máu văn chương đã chảy một cách tự nhiên bên trong con người Trần Lực, chờ đến thời điểm ngoài tuổi 50 mới bắt đầu cầm bút. Với anh, chẳng có gì là quá muộn, bởi viết lách cũng như làm phim, đều là những cuộc chơi, lấy vui làm chính. Và bản thân anh cũng không thể ngờ những mẩu chuyện chơi chơi, vui vui, “chẳng đâu vào đâu” ấy lại thành công đến vậy.
2. Gặp lại Trần Lực sau gần một tuần ra mắt sách. Thấy anh có vẻ đã “hoàn hồn”. Sơ mi, quần bò, tóc buộc chỏm, Trần Lực trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Anh bảo, đó là nhờ những đứa con.
Rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn học thuộc câu “phải làm bạn với con”, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Trần Lực thì lại làm tốt điều này. Anh tự hào bảo, đó là truyền thống của gia đình. Từ bé, bố mẹ cũng luôn tôn trọng anh, để anh tự do thể hiện cá tính, sở thích của mình. Vì vậy, với các con, anh cũng muốn tôn trọng và lắng nghe để có thể trở thành một người bạn thân thiết của con. “Tôi luôn tâm niệm 4 điều: trẻ con có quyền chơi, có quyền nghịch ngợm, có quyền hỏi và quyền được nghe trả lời. Dù đó chỉ là những câu hỏi rất vớ vẩn, linh tinh”- Ông bố 60 đúc kết.
Người ta nói, bố già thường chiều con thơ. Trần Lực cũng thừa nhận cách anh dạy con lúc 26 tuổi, khi lần đầu làm bố rất khác so với thời điểm bây giờ, một ông bố tóc đã bạc hơn nửa mái đầu. Ngày đó, anh dạy con theo sách, răm rắp theo sách nên có phần cực đoan. Giờ, anh dạy bằng sự lắng nghe và tôn trọng, bằng sự trải nghiệm của một người đàn ông đã đi qua nửa cuộc đời. Anh hiểu, khi các con được sống một cuộc sống hồn nhiên, được bộc lộ cá tính, quan điểm thì sau này sẽ phát huy được những khả năng của mình.
Đắm đuối với con là thế nhưng thực ra, mỗi ngày, Trần Lực cũng chỉ dành được 30-40 phút để chơi với con. Những lúc đó, anh sẽ ngồi chống cằm nghe các bạn nhỏ lần lượt kể lể, mách tội nhau hay đóng vai quan tòa để phân xử ai sai ai đúng, hoặc đi uống bia với con trai cả những khi cậu… thất tình.
Dù ít nhắc đến cậu cả Trần Hoàng, nhưng Trần Lực vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho con. Hồi anh và vợ đầu chia tay, con trai về sống với anh. Bố con quấn quýt nhau không rời, nương tựa vào nhau bước qua những tháng ngày “gà trống nuôi con”.
Trần Lực có cách nuôi dạy con rất khác người. Trong nhà, rất quen thuộc để nghe những câu “Con yêu mẹ!”, “Con yêu bố!” nhưng cũng không lạ lẫm những câu “Con ghét bố nhất trên đời!”, “Bố bị dở hơi!”, “Bố bị thần kinh!”... Người ngoài thấy thế, bảo anh không biết dạy con, nhưng Trần Lực vẫn kiên định giữ vững không khí ấy như một “bản sắc”. Anh bảo, với nhà anh, đó là cách thể hiện tình cảm, thế mới là yêu nhau.
Để con phát triển tự nhiên đôi khi cũng khiến chính anh gặp nhiều… bất lợi. Đó là những lần anh Bờm vặn vẹo “Sao bố và mẹ anh Hoàng bỏ nhau?”, cô Bông thì chì chiết “Sao bố hôn cô kia trên tivi?” hay anh Bách hậm hực chuyện bố thích… chân dài. Những lúc đó, ông bố đạo diễn đành “phơi mặt” chịu trận, câu nào giải thích được thì giải thích, khó quá thì… xin nợ.
Sau bao sóng gió, Trần Lực đã tìm thấy hạnh phúc.
Hơn 50 tuổi vẫn làm bố trẻ con, Trần Lực lại thấy đó là may mắn của đời mình. Những ai theo dõi trang cá nhân của Trần Lực đều sẽ thấy những câu chuyện trong cuốn sách của anh không hề xa lạ. Đó là những mẩu chuyện con con anh vẫn thường xuyên chia sẻ trên facebook của mình. Cũng lạ, rất ít khi chịu chia sẻ chuyện tình cảm cá nhân và cuộc sống riêng tư trên mặt báo, nhưng Trần Lực lại thoải mái khoe chuyện nhà trên facebook, những câu chuyện chân thật, gần gũi trong gia đình mình bằng giọng điệu hóm hỉnh. Và dù cuốn sách có được đón nhận hay không, những câu chuyện đó vẫn sẽ tiếp tục.
3. Đào hoa là từ mà khán giả và bạn bè hay nói về Trần Lực. Nhưng khổ chủ lại kêu oan: “Thật là oan quá! Chị em xem phim, thấy mình lúc nào cũng chỉn chu, không vào vai anh bộ đội nghiêm trang thì cũng hình ảnh người chồng chuẩn mực. Nên chị em mê là mê những nhân vật ấy. Một số người nghĩ ở ngoài chắc mình cũng ít nói, điềm đạm. Đến khi gặp rồi, thấy nhí nhố, nói nhiều, họ cũng thất vọng lắm!”.
Đó là anh cứ nói thế! Chả biết Trần Lực đã hết đào hoa chưa, nhưng chắc chắn sau khi cuốn sách của anh ra đời, lượng fan nữ sẽ lại càng tăng lên ồ ạt. Phụ nữ là thế, chả ai lại không mủi lòng xao xuyến trước hình ảnh một ông bố dịu dàng, với tình yêu con trẻ vô bờ bến.
Nói đến chuyện này, Trần Lực cười rất tươi. Gương mặt điển trai bậc nhất một thời của điện ảnh Việt chia sẻ rằng, trải qua bao sóng gió cuộc đời, giờ với anh, mọi nẻo đường đều trở về với gia đình. Dường như anh đã được bù đắp xứng đáng bằng một gia đình hạnh phúc sau hành trình dài tìm kiếm.
Cuộc đời thì không kịch bản
Tại buổi ra mắt sách vừa qua, cũng là lần đầu tiên xuất hiện người vợ thứ 3 của Trần Lực; người đã sinh cho anh 3 đứa con thông minh, lém lỉnh Bông- Bờm- Bách; người phụ nữ tài giỏi và thành công nhưng vẫn bình dị, khiêm nhường đứng phía sau người chồng nổi tiếng.
Anh bảo, người đàn bà đến sau có thể thiệt thòi hơn nhưng bù lại, khi đó, người đàn ông đã đủ chín chắn và trải nghiệm để hiểu và trân trọng đàn bà nhiều hơn. Bởi vậy, vợ chồng anh không câu nệ quá khứ. Cả hai đều bình thản khi đến với nhau, sống với nhau, cùng nhau nuôi dạy những đứa con khôn lớn. Thi thoảng vẫn có những trận tranh cãi tưởng chừng nảy lửa nhưng rồi lại được hóa giải bằng những tiếng cười trẻ thơ.
Vị đạo diễn 6X luôn chiêm nghiệm: mọi bộ phim có thể được dàn dựng, sắp xếp theo kịch bản nhưng cuộc đời thì cứ để theo lẽ tự nhiên.