Trần Lập và 'Bên kia Bức Tường'

Trần Lập và 'Bên kia Bức Tường'
Trần Lập đã kể lại câu chuyện chân thật nhưng đầy chìm nổi trong hành trình lên đỉnh vinh quang của ban nhạc hàng đầu của lịch sử nhạc rock Việt Nam.

Trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên từ năm 1995, Trần Lập đã trở thành một trong những nghệ sĩ nhạc rock Việt Nam chói sáng nhất. Cùng ban nhạc Bức Tường, anh đã tham gia trình diễn hàng trăm sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trong nước và Quốc tế. Trần Lập cũng là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị vượt qua biên giới thể loại nhạc rock để tới với công chúng.

Sau khi Bức Tường tuyên bố tạm ngừng cuộc chơi cùng với liveshow “Ngày thứ bảy cuối cùng” vào năm 2006, Trần Lập vẫn tiếp tục sự nghiệp âm nhạc. Anh là một trong những người khai sinh ra Rock Storm và đảm nhiệm vị trí tổng đạo diễn của rock tour này trong suốt ba năm liền. Lần đầu tiên trong lịch sử rock Việt Nam, các ban nhạc lớn được chọn, quy tụ trong một tour lớn. Rock Storm khi ra đời đã lập tức gây sốt và tạo được vị thế khác biệt hẳn so với tất cả các rock show trước đây.

Trần Lập không phải một nhà văn, điểm văn thời đi học của anh cũng hiếm khi vượt qua được con số 6, ngay từ đầu cuốn sách, anh đã thật thà thú nhận với bạn đọc rằng “Viết lách chẳng phải là sở trường của tôi, hẳn rồi”. Nhưng lời thú nhận ấy, anh bảo rằng "chẳng phải để giảm giật hay dọn đường việc bỏ quá cho của bạn đọc. Cậy mình không phải là nhà văn thì cứ chia sẻ đúng kiểu con người mình thôi.".

Nhưng cái chuyện chữ nghĩa kia không ngăn được thủ lĩnh của Bức Tường là một người kể chuyện giỏi, bởi anh có một câu chuyện hay và tấm lòng muốn được chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là với những người trẻ, những người sẽ đi qua cái thời đoạn tươi đẹp nhất đời người mà anh đã đi qua.

Với những người không còn trẻ lắm, những hồi ức của anh lay động khơi gợi lên hồi ức thanh xuân của chính họ. Một tuổi thơ thời bao cấp đặt gạch xếp hàng, nhảy tàu điện đi “chu du” khắp phố phường, cái thời mà “Hà Nội chỉ bé bằng cái lỗ mũi, xe cộ thưa thớt và chậm rãi chứ không khiếp khủng như bây giờ” hay những ngày bị nhốt một mình trong nhà, sau “cánh cửa gỗ với những song sắt to và lạnh lùng”.

Một tuổi thơ gắn liền với lao động, phụ giúp bố mẹ, trồng rau trồng sắn, vớt bèo nuôi gà nuôi lợn. Rồi một thời sinh viên sôi nổi trong một giai đoạn đặc biệt, khi mà phong trào nhạc sinh viên sôi động đã lôi cuốn hàng triệu trái tim, một tâm thế và một không khí giao thoa thời cuộc kỳ lạ, một đi không trở lại, là cái nôi thành hình nên ban nhạc rock khoáng đạt và chói sáng nhất.

Đúng như tên gọi của nó, Bên kia Bức Tường dành nhiều “đất” nhất cho câu chuyện sau ánh đèn sân khấu còn ít ai biết về ban nhạc Bức Tường từ cuộc “chào đời” âm thầm, bí mật trong lòng đội văn nghệ trường đại học Xây dựng, qua vô vàn khó khăn, chìm nổi, bế tắc, những lần suýt giải tán, từng bước một bước lên đỉnh vinh quang cho tới khi tạm dừng cuộc chơi vào năm 2006 và tái hợp vào năm 2012.

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, Trần Lập bình thản kể ra bao thất bại, sai lầm, đen đủi thay vì chỉ tô vẽ hào quang. Trong phần “Chống cằm”, nơi anh suy ngẫm về âm nhạc và bản chất của sáng tạo, Trần Lập cũng không ngại ngần vạch ra những mảng tối còn tồn tại trong không gian nhạc rock Việt Nam với một lòng đau đáu “Rock Việt, khi nào ta khá hơn?”

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG