Trăm năm Ông Sáu, Anh Sáu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyện khởi tố. Giữa năm 1996 Báo Tiền Phong bị khởi tố với tội danh làm lộ bí mật quốc gia bởi một bài báo mà người viết bài này là tác giả!

Bao nhiêu là tất tả cùng hoảng tam tinh bởi câu mở đầu của lệnh khởi tố nguyên văn là “Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ…”

Lần ấy ngồi với mấy anh em viết. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, khi đó đương là Tổng Biên tập một tờ báo, đặt cốc bia uống dở, kéo tôi ra một chỗ… Nguyễn Thành Phong trước đó được nhiều người biết qua bài viết quanh câu nói nổi tiếng của ông Sáu Dân trả lời phỏng vấn báo chí “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình miền Nam rơi vào hoàn cảnh vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Cuộc chiến đó, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.

Lại nghe nói Thành Phong tới chỗ ông Sáu Dân có thể bất kỳ lúc nào cũng được (!) Thành Phong đã biết việc khởi tố… Lại biết tôi cũng có quen Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phong giục là tới ngay chỗ ông Sáu đi. Nếu ngại thì Phong sẽ thân chinh dẫn tôi đi gặp.

Trăm năm Ông Sáu, Anh Sáu ảnh 1

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn huy hiệu 500KV cho ông Vũ Ngọc Hải

Vừa lúc ấy thì nhà thơ Nguyễn Duy đi ngang qua. Nguyễn Duy cười cười, cái gì mà ông Sáu đó?

Thành Phong như reo, A đây rồi bồ ruột của ông Sáu đây rồi.

Rồi Thành Phong cứ tông tốc chuyện tờ báo tôi bị khởi tố ra sao. Chừng như nghe đã thủng, Nguyễn Duy thủng thẳng rằng nếu muốn gặp anh Sáu thì Nguyễn Duy sẽ báo cáo hộ cho.

Tôi rời cuộc gặp với một cảm giác ấm lòng vì có người sẵn tâm sẵn sức để giúp! Nhưng lòng dạ vẫn cứ rối bời!

Có nên một cuộc gặp và năn nỉ với ông Sáu, Anh Sáu Dân, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt?

Sáu Dân, ông là ai?

Tôi biết ông Sáu Dân là do công việc.

Giờ giải lao một phiên họp Quốc hội tháng 11 năm 1992 ấy, cùng với mấy anh em làm báo, chúng tôi có một cuộc ngồi với ông Sáu Dân - Thủ tướng Võ Văn Kiệt quanh mấy chiếc ghế đá của vườn hoa Ba Đình ngay sát khu nhà kính.

Không phải chốc nhát vài phút. Mà hơi lâu. Một dịp may hiếm có.

Cũng lạ. Chẳng ai bảo ai nhưng chúng tôi nhất loạt gọi Thủ tướng bằng Anh Sáu, xưng em!

Trong không khí gần gụi thân mật, có vẻ không phải là cuộc phỏng vấn mà là một cuộc chuyện trò khá cởi mở. Ban đầu Thủ tướng gọi là các bạn. Sau đó là “các em, mấy em…”

Mà cũng lần đầu tôi được biết Thủ tướng có cái tên SÁU DÂN. Thì ra Sáu là tên một người chị yêu quý và duy nhất còn lại của Võ Văn Kiệt. Còn Dân là tên cô con út mà Thủ tướng rất yêu quý - đặt tên là Hiếu Dân. Cũng là cái cách ghi nhớ công ơn của dân trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Văn Kiệt.

Năm 2016 nhà thơ Thanh Thảo đã “định nghĩa” về cái tên Sáu Dân.

“Dạ, tôi là Sáu Dân/ Là tôi thưa với nghĩa ân tình người/ Tôi thưa với nhân dân tôi/ Thưa cùng đất nước muôn đời Việt Nam”.

Có một lúc chúng tôi cùng ngồi lặng phắc, ngậm ngùi khi câu chuyện đến một khúc nhôi bi thương...

Cuộc chiến tranh khốc liệt đã cướp đi của ông Sáu Dân người vợ hiền và 3 người con! Trong đó có người con trai Võ Văn Dũng. Từ miền Bắc anh đã xung phong vô Nam chiến đấu và hy sinh đúng tuổi 20.

Gia đình ông có 7 người. Đến ngày thống nhất chỉ còn ông và 2 con, một trai, một gái.

Sau này, tôi may mắn được tiếp cận với một kỷ vật quý của gia đình ông Sáu Dân. Đó là một tấm hình đen trắng.

Khi bà vợ Kim Anh và hai con nhỏ bị trúng bom Mỹ mất năm 1966, cả gia đình ông Sáu Dân không hề có bức ảnh nào chụp chung. Vì muốn có một tấm ảnh gia đình, ông Sáu Dân đã lấy bức ảnh duy nhất ông chụp cùng vợ và con gái Ánh Hồng, ghép thêm ảnh hai con Võ Dũng và Võ Hiếu Dân – (xem ảnh kèm bài).

…Giờ giải lao qua mau. Nhưng hình như không ai nghe tiếng chuông trên Hội trường. Chúng tôi biết mình đương gặp may bởi hiếm hoi được khấu vào thời gian quý báu của người đứng đầu chính phủ. Và của Anh Sáu thân thiết lúc này!

Rồi câu chuyện đến thời điểm Mậu Thân ác liệt, bi hùng của một yếu nhân Cách mạng miền Nam, Bí thơ Sài Gòn Gia Định Võ Văn Kiệt!

Từ cuộc gặp ấm áp ấy, tôi có bài viết Mậu Thân với Anh Sáu, Nhâm Thân với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trăm năm Ông Sáu, Anh Sáu ảnh 2

Tấm ảnh về gia đình ông Sáu đã được chỉnh sửa

Bài viết được nhiều người, trong đó có anh Sáu nhiệt thành sẻ chia!

Thời đầu 90.

Ba miền có ba lưới điện. Có nơi thừa, nơi thiếu điện. Miền Nam khi đó vẫn phải cắt điện luân phiên. Trong khi đó, từ khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoạt động tổ máy số 4, miền Bắc thừa điện.

Tình thế ấy đã xuất hiện công trình xây dựng đường dây 500KV huyền thoại! Luận chứng Kinh tế kỹ thuật xây dựng đường dây truyền tải điện 500kV Bắc – Nam đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đích thân phê duyệt.

Ngày 5/4/1992, Lễ khởi công xây dựng Đường dây truyền tải điện 500kV Bắc – Nam. Thời gian thi công chỉ trong vòng hai năm - một mốc thời gian như “không tưởng” đặt ra cho cán bộ công nhân viên ngành năng lượng lúc đó và với vị Tổng chỉ huy công trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng thời cũng đối diện cùng bao nhiêu thách thức và búa rìu dư luận.

Khởi phát sóng gió là từ một bức thư của vị giáo sư Việt kiều ở Đại học Grenoble (Pháp) gởi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vị GS này khẳng định, đường điện 500kV Bắc - Nam có ba cái bất lợi. Một là bước sóng 6.000 km, trong khi từ Hà Nội đến TP.HCM dài 1.500 km, chỉ là 1/4 bước sóng, nên không thể tải điện vào miền Nam. Hai là thời gian xây dựng công trình chỉ trong hai năm là điều khó có thể thực hiện được. Ba là dự án không mang lại hiệu quả kinh tế!

Một thực trạng oái oăm lẫn bi hài. Bởi thời điểm đó, đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đi qua các tỉnh thành từ Hòa Bình, Thanh Hóa… giăng tít tắp đến tận Long An đang được thi công.

Vậy mà vẫn những ngổn ngang bàn cãi cùng vô số ý kiến trái chiều. Mà có từ cấp cao nhất. Một số người cho rằng “đó là chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia và chỉ để xây dựng thanh danh”. Có Đại biểu phát biểu ở Quốc hội: “Trên thế giới chẳng có quốc gia nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 cây số”.

Ông Sáu Dân, Anh Sáu lúc ấy làm gì?

Ông lẳng lặng đôn đáo với bốn lần thị sát tận nơi thi công khó khăn, hiểm trở nhất. Vị trí 373 trên đỉnh đèo Hải Vân. Vị trí 367 trên đỉnh đèo Lò Xo (Đăk Glei). Thủ tướng động viên các đội thi công, công nhân lao động, nhắc nhở họ phải giữ sức khỏe đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng công trình. Khắc phục muỗi, vắt cắn... Anh em công nhân rất phấn khởi, hứa sẽ hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, và xin chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng tại công trường trong tiếng cười sảng khoái cố hữu của Thủ tướng.

Và cánh viết chúng tôi, gần như vô thức đứng về “phe” vị Thủ tướng năng động sáng tạo dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tự phê bình. Chúng tôi phần nào được phe ông Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự ở Quốc hội trợ chiến thêm để vững tin bằng những luận cứ khoa học.

Tôi hăm hở bám theo một mũi báo chí xuyên Việt suốt hơn một tháng. Cũng hăm hở leo đèo Hải Vân. Cũng buông màn hạ trại trên đỉnh đèo Lò Xo với những đội thi công 500KV miền Trung. Cùng Nguyễn Triều (Hà Nội mới), Nguyễn Như Phong (Báo Công An) Võ Đăng Thiên (Tạp chí Cộng sản)… có bữa dằn bụng bằng lá vả luộc chấm muối.

Xin đừng thốc thêm làn gió lạnh vào sống lưng những người thợ đường dây. Đó là một bài báo có cái tít tùy hứng của người viết bài này thời điểm ấy được chính Anh Sáu khuyến khích công nhân đường dây 500 KV đọc!

Mẩu giấy bỏ lén vào túi ông Sáu

Cũng phải nhắc lại, điểm lại hai chuyện buồn.

Buổi sáng ngày khởi công công trình 500 KV, tại cây cột trụ đỡ dây 500 KV đầu tiên tại Mãn Đức huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng phát lệnh khởi công. Chẳng rõ ràn rạt những quan khách, thợ thuyền cùng bảo vệ, cả nhà báo nữa mà không có ai phát hiện ra một anh thợ đường dây đã khéo léo bỏ một mẩu giấy vào túi áo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt!

Về đến Hà Nội, anh Sáu mới phát hiện ra mẩu giấy ấy. Mẩu giấy báo cho Thủ tướng cái chân móng cây cột khổng lồ đó có rất ít xi măng vì bọn bất lương đã bớt xén gần hết! Chỉ một cơn gió mạnh chút là đổ gục!

Thưa anh, phải cấm tiệt đám báo chí chuyện này ạ…

Nhưng ông Sáu, Anh Sáu Thủ tướng Võ Văn Kiệt không cấm tiệt mà cho báo chí… tố thoải mái! Đồng thời cho ráo riết việc điều tra xử lý thật nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh.

Thời điểm thi công 500 KV đương độ cao trào khí thế, đùng cái bùng ra vụ Vũ Ngọc Hải!

Bộ trưởng Bộ năng lượng Vũ Ngọc Hải cánh tay phải của Thủ tướng của Đại công trình 500 KV bị liên lụy chuyện 4.000 tấn thép mua ngoài luồng chênh lệch mấy tỷ đồng.

Lập tức ầm ĩ rầm rĩ dư luận đại loại: Công trình khởi công đã gặp xui (chuyện cây cột ở Mãn Đức) nay lại có chuyện tham nhũng bớt xén thì công trình 500 KV sẽ đi về đâu?

Thủ tướng ra lệnh xử lý nghiêm, dù cho người đó là ai, ở cương vị nào. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, người lập đề án đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam bị kết tội thiếu trách nhiệm trong quản lý, bị kết án ba năm tù giam. Một số cán bộ khác bị cách chức!

Cũng như vụ bớt xén ăn cắp xi măng ở cây cột 500 KV Mãn Đức, vụ ông Vũ Ngọc Hải, ông Sáu Dân cũng không hề ra tín hiệu cấm cản báo chí. Hòa trong khí thế ấy, người viết bài này cũng có loạt bài Khi Bộ trưởng ra tòa. Khi Bộ trưởng ở tù…

Ông Sáu dân quả có tầm nhìn xa. Cho báo chí cởi mở về vụ Vũ Ngọc Hải vô tình như một dạng phản biện. Hàng chục bài báo đã vạch ra những điều bất cập, vội vã của vụ án cùng giải tỏa những suy diễn quy chụp vô lối!

Và ngược với những lo lắng xì xào rằng những vụ việc tiêu cực ấy đã ngáng trở thậm chí làm chậm tiến độ thi công 500 KV. Nhưng tiến độ công trình vẫn phăm phăm về đích.

Ngày đóng điện công trình 500 KV hôm trước thì 4 giờ sáng hôm sau, ông Sáu Dân đã vào Trại giam để gắn huy hiệu đường dây 500 KV cho nguyên Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải.

… Tôi may mắn được một nguồn thạo tin báo cho từ tối. Sáng sớm hôm sau, “nguồn” ấy lại cho đi xe nhờ vào Trại giam. Về sự kiện này tháng 4 năm 1994 ấy, tôi đã có bài viết trên Tiền Phong Chủ nhật.

Bây giờ cũng nói thêm chi tiết trong tấm ảnh (tấm ảnh duy nhất có được do người nhà ông Vũ Ngọc Hải chụp lén sự kiện ông Sáu Dân gắn huy hiệu cho ông Hải). Sự kiện diễn ra tại hội trường của Trại tạm giam chứ không phải ở phòng giam ông Hải như có báo mô tả. Vậy nên có cả cờ thưởng luân lưu các loại phấp phới trên tường. Và cả hoa nữa (xem ảnh).

Ông Sáu thủ theo hai chai sâm banh mở ngay tại chỗ mời Ban chỉ huy Trại và ông Hải. Chai còn lại ông Sáu bảo ông Hải mang về phòng giam mà uống.

Sau sự kiện này mấy tháng sau ông Vũ Ngọc Hải được tha trước thời hạn gần 2 năm.

Hơi bị hy hữu, đã có 28 bộ thứ trưởng lần lượt vào thăm ông Hải trong tù!

Hiếm chỉ thị chủ trương nào của Đảng và Nhà nước làm cho dân khổ. Và hiếm có cán bộ nào tận tụy hết lòng vì dân vì nước mà phải chịu oan khuất. Một câu nói của ông Sáu đại ý như thế. Tôi không nhớ nguyên văn. Nhiều người bảo câu này ông Sáu nói ở buổi gắn huy hiệu cho ông Hải. Nhưng hôm đó tôi không nghe được câu này. Có lẽ một ngữ cảnh khác? Nhưng dù hoàn cảnh nào thì cái chất kiên trung thẳng thắn của ông Sáu Dân vẫn có cơ để phát lộ. Như trước đây ông đã từng thẳng thắn: nếu những cán bộ tốt như chị Ba Thi “xé rào” lo gạo cho Thành phố phải đi tù thì ông sẵn sàng đi đưa cơm!

Vĩ thanh

Trở lại việc khởi tố năm 1996.

Thảng thốt lướt nhanh chút kỷ niệm với ông Sáu, tôi càng hoang mang! Lệnh khởi tố ngay câu đầu được ghi rõ “được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ…”

Lúng túng cùng với những hoảng tam tinh, nhưng Ban Biên tập Báo Tiền Phong vẫn bình tĩnh chuyển những thông tin cần thiết đến những nơi cần đến bằng cả công văn lẫn việc cử người đi.

Tất thảy dựa trên một nguyên tắc bất biến. Đó là tuân thủ Luật pháp trong đó có Luật Báo chí, bảo vệ môi trường đầu tư, bảo vệ nguồn tài liệu cung cấp cho báo và phóng viên!

Lần lượt từ Tổng Biên tập Dương Xuân Nam đến Phó tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ và tác giả bài viết liên tục bị cơ quan chức năng gọi lên thẩm vấn.

Tôi cũng báo cáo với Ban Biên tập những băn khoăn của phương án là liệu có nên lên năn nỉ với ông Sáu Dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ban Biên tập cũng dùng dắng mãi chưa quyết!

Trong những địa chỉ cần đến, có Cơ quan Kiểm tra. May mắn tôi gặp được ông Vũ Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm UBKT TW Đảng.

Mặc dù là thủ trưởng cũ, nhưng nguyên Bí thư TW Đoàn Vũ Quốc Hùng vẫn nghiêm lạnh, bình thản.

Ông kiên nhẫn trước những bộc bạch bức xúc của tôi, đại loại: Khởi tố một tờ báo nói lên sự thật về những mờ ám của đối tác nước ngoài làm vấy bẩn môi trường đầu tư ở Việt Nam liệu có nên? Rằng, tại sao có cái câu “Được phép của Thủ tướng Chính phủ…” là thế nào? Nghe có vẻ chưa ổn? Thay vì viện dẫn, nêu và trích theo điều khoản thứ bao nhiêu trong Bộ Luật này nọ thì lại “kiệu” Thủ tướng vào trong một văn bản hành chính của Bộ Nội vụ (khi đó không gọi là Bộ Công an) vv… và vv…

Đợi cho tôi xổ, vuột ra hết, chất giọng cùng thái độ bình thản của ông Vũ Quốc Hùng, sau bao nhiêu năm, đến giờ vẫn như rành rẽ bên tai.

Vì vụ việc báo Tiền Phong nêu là nghiêm trọng. Nên câu chữ dùng trong Quyết định khởi tố như vậy chính Thủ tướng Chính phủ đã thân chinh đứng ra coi xét việc này đấy. Bên Việt Nam hay đối tác nước ngoài hoặc cả hai cấu kết nhau làm vấy bẩn môi trường đầu tư? Ai, cá nhân nào đã hưởng lợi bất chính trong việc này? Và ngay cả tác giả bài báo, nếu vì động cơ nào đó bị giật dây bị tác động để viết sai sự thật làm công cụ cho cuộc đấu đá nội bộ hoặc ăn tiền cũng cần phải được điều tra làm rõ. Nếu các đồng chí ngay thẳng thì sợ gì?

Nghe vậy, tôi thoáng nhớ ngay đến thái độ cùng hành xử của Ông Sáu Dân vụ cột điện 500 KV ở Mãn Đức, vụ Vũ Ngọc Hải.

Phải mất gần 2 năm chúng tôi kiên trì chịu đựng hàng chục cuộc thẩm vấn, điều tra… Rồi may mắn, với sự công tâm nghiêm minh của các cơ quan, cá nhân bảo vệ pháp luật; Và cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp với được như vậy (lời Nguyễn Trãi trong Đại cáo Bình Ngô) vụ việc cũng qua đi!

Nhớ lâu hơn lần ấy nhảo qua Triển lãm thơ trên thúng mủng giần sàng nơm giậm của nhà thơ Nguyễn Duy ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Cũng chỉ định kiếm hơi thuốc lào vì tôi được biết Nguyễn Duy để ở đó sẵn cái điếu cày.

Đã trưa trật. Phòng triển lãm vắng hoe. Tấm lưng ai mà ngó quen quen? Trời đất, hóa ra Ông Sáu Anh Sáu!

… Nhớ lâu hơn cái xiết tay như chặt hơn thường lệ. Và câu chuyện như có cơ tiếp nối sau nhiều năm gián đoạn vào buổi trưa ấy ở Triển lãm Hàng Bài.

Ông Sáu chỉ lướt qua chút đỉnh. Nhưng tôi như thấm thêm cái lý cái tình qua chất giọng quen thuộc của ông Phó Ban KTTW Vũ Quốc Hùng ngày nào?

Ông Sáu, Anh Sáu.

Cái tên, ngày sinh đều gắn liền với Dân với vận nước. Ngày sinh 23/11 nhắc ngày Nam Kỳ khởi nghĩa Mùa thu rồi ngày hăm ba/ ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Nhớ lần ngồi với văn nghệ sĩ, có nhà thơ nhắc lại một vế đối “…Sài Gòn có Kiệt mà không kiệt”. Ông Sáu cười “Vậy là anh chưa hiểu chữ Kiệt rồi, Võ Văn Kiệt không phải là chữ KIỆT anh muốn nói”.

Mãi sau mới ngộ ra, chữ KIỆT thuộc bộ NHÂN là hào kiệt, tuấn kiệt. Đã VÕ lại còn VĂN thì chỉ có là KIỆT HIỆT, tài giỏi hơn người mà không thể là chữ KIỆT với bộ LẬP, nghĩa khánh kiệt.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.