Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam

TPO - Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại dấu ấn với rất nhiều công trình, dự án lớn của đất nước, trong đó đường dây 500 kV Bắc - Nam là khác biệt, bởi “trên thế giới chẳng quốc gia nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 cây số”.

“Thủ tướng Điện”

Năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật xây dựng và trực tiếp chỉ đạo công trình đường dây tải điện Bắc - Nam. Đây là hệ thống tải điện với đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam, chuyển tải năng lượng từ nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 1

Ông Võ Văn Kiệt trong một chuyến kiểm tra dự án đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam (ảnh tư liệu).

Trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng - cho biết, một trong các quyết định sáng suốt nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam.

Ông Nê kể, rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên hay không làm một đường dây truyền tải điện như vậy. Nhiều ý kiến lo dự án lớn, Việt Nam chưa có kinh nghiệm, gây lãng phí. Thậm chí có người lúc đó còn nói “trên thế giới chẳng quốc gia nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000 cây số”.

Thời điểm đó, Dự án thủy điện Hoà Bình đi vào vận hành, miền Bắc thừa điện, miền Nam lại thiếu. “Trong bối cảnh đó, cố Thủ tướng lắng nghe rất kỹ và quyết định làm, rồi thành công đưa điện về cho miền Nam lúc đó đang thiếu điện ghê gớm” - ông Nê nói và cho rằng đây là quyết định rất “kịp thời, đúng đắn”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 2

Ông Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (ảnh: Mạnh Quân).

Trong cuốn hồi ký Võ Văn Kiệt: Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân, NXB Chính trị quốc gia (Hà Nội 2012, tr. 482) đã viết: "Có lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt tâm sự với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải: Nếu đóng điện không thành công thì mình xin từ chức".

Theo ông Thái Phụng Nê, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có dấu ấn rất lớn với công trình thuỷ điện Trị An. Nhà máy được xây dựng trên sông Đồng Nai, cách TPHCM 65km về phía Đông Bắc. Đây là dự án được quyết làm khi miền Nam, trong đó có TPHCM thiếu điện nghiêm trọng.

“Thời điểm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt công tác tại TPHCM, ông rất lo lắng, trăn trở, quan tâm vấn đề thiếu điện bấy giờ ở khu vực này” - vị chuyên gia lâu năm trong ngành điện kể và cho biết, so với thời điểm này thì dự án không lớn, nhưng lúc đó Trị An với công suất 400 MW coi là rất lớn. Lúc hoàn thành, về công suất Trị An chỉ lớn sau thủy điện Hòa Bình.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 3

Nhà máy thủy điện Hòa Bình có dấu ấn rất lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh: Hanoimoi).

Năm 1984, ngay khi việc lập luận chứng kinh tế kỹ thuật nhà máy thủy điện Trị An vừa kết thúc, ông Võ Văn Kiệt cũng đã đi thực địa và chỉ đạo triển khai gấp việc khảo sát thiết kế thủy điện Thác Mơ.

Theo các chuyên gia, ông Võ Văn Kiệt là người “có công rất lớn trong phát triển ngành điện Việt Nam”. Ông còn được mệnh danh là “Thủ tướng Điện” bởi sự tâm huyết đối với việc phát triển điện - xương sống của nền kinh tế. Việc phát triển ngành điện được ông quan tâm, trăn trở từ thời làm lãnh đạo địa phương.

Từ tranh luận nảy lửa tới quyết định đúng đắn

Ông Lê Đăng Doanh - thành viên tổ tư vấn thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt - cho biết, ông Võ Văn Kiệt là người đã quyết định xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, xây kè đê Yên Phụ cho Thủ đô Hà Nội…

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 4

Ông Lê Đăng Doanh - thành viên tổ tư vấn thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khảo sát dự án, chủ trương mở ra cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) đã giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh. Thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc được rút ngắn còn 30 phút. Đây là đại lộ dài nhất Việt Nam thời điểm đó. Tuyến đường nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh; chiều dài toàn tuyến 30 km, nằm trong địa giới TP Hà Nội.

Sau khi xây dựng xong đường Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, ông Võ Văn Kiệt đặt vấn đề với Bộ Giao thông vận tải khảo sát lập dự án xây dựng xa lộ Bắc - Nam hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh. Đây là dự án mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng "vấp" phải không ít ý kiến trái chiều. Dù vậy, ông đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình xa lộ Bắc - Nam với 14 thành viên đại diện cho nhiều Bộ, ngành; hơn 1.000 kỹ sư, chuyên gia, công nhân trong nhiều lĩnh vực; sử dụng nhiều phương tiện khảo sát suốt cả năm từ Bắc vào Nam.

Ông Lê Đăng Doanh nhớ lại, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt bận nhiều việc nhưng ông vẫn dành thời gian trực tiếp đi thị sát dự án. Theo ông Doanh, rất nhiều dự án ban đầu đều có sự phản đối, tranh luận nảy lửa, tuy nhiên Thủ tướng đã lắng nghe nhiều bên, tìm hiểu kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, đưa ra những quyết định đúng đắn.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 5

Dự án đường Hồ Chí Minh được khai mở từ thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, đến nay đang được hoàn thiện theo từng giai đoạn (ảnh: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh).

“Rất nhiều dự án Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến tận nơi khảo sát, tìm hiểu kỹ càng và giải quyết được, các dự án ra đời mang ý nghĩa lớn. Ông là một nhà lãnh đạo dấn thân, là nguồn động viên, tấm gương sáng cho nhiều thế hệ” - ông Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất: “Tôi đề nghị không bàn ra bàn vào nữa!”

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người quyết định xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi. Trong thư ngỏ gửi Quốc hội tháng 6/2005, ông Võ Văn Kiệt viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu”.

Thời điểm đó, câu hỏi rất lớn và gây nhiều tranh cãi nhất là nên xây dựng dự án trọng điểm quốc gia - Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở đâu?

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 6

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang nghe trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất năm 1995 (ảnh tư liệu).

Ông Đỗ Quang Toàn - nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí của Văn phòng Chính phủ, nguyên Chánh Văn phòng Tổng cục Dầu khí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Công nghiệp - từng chia sẻ về hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thị sát khu vực vịnh Dung Quất vào ngày 19/9/1994.

Theo ông Toàn, trên đường đi ra Dung Quất, một sự ưu tư, buồn bã luôn hiện lên nét mặt của Thủ tướng, bởi ông nhìn thấy những khu dân cư nghèo đến thê thảm, những cồn cát cằn cỗi và ánh mắt trông chờ tưởng như tuyệt vọng của những người dân đứng hai bên đường.

Tại cuộc họp Chính phủ, sau khi nghe tất cả ý kiến của Petrovietnam; các Bộ, ngành; các chuyên gia báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận: “Hôm nay, có một số Bộ chuyên ngành, có các chuyên gia thì chúng ta thống nhất làm nhà máy lọc dầu ở Dung Quất. Khi đã quyết định thì chúng ta làm. Tôi đã nghe đủ các ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Cũng có những ý kiến khuyên mang dầu thô đi lọc ở Singapore, nhưng suy đi tính lại thì mình phải làm chủ, phải xây dựng nhà máy lọc dầu ở Việt Nam. Còn địa điểm thì hôm nay quyết định là Dung Quất. Tôi đề nghị không bàn ra bàn vào nữa. Mọi người bắt tay vào làm luận chứng khả thi để trình Quốc hội xem xét, tiến hành càng sớm càng tốt”.

Ngày 9/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 658 về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn những dự án ‘có một không hai’ Việt Nam ảnh 7

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi (ảnh: Báo Đầu tư).

Trước nhiều ý kiến “bàn lùi”, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiên quyết giữ vững quan điểm phải xây dựng Nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, trước hết là để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả khu vực miền Trung.

“Hoài bão và khát vọng hiến dâng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng suốt đời vì nước vì dân, đã chỉ ra cho chúng ta rất cần được tiếp nối vì một nước Việt hùng cường” - ông Lê Đăng Doanh nói.

Ông Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922. Quê quán: Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Hoạt động cách mạng của ông Võ Văn Kiệt ghi dấu ấn trong phong trào Thanh niên phản đế. Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ ở Vũng Liêm năm 1940, cướp chính quyền năm 1945 ở Rạch Giá.

Ông Võ Văn Kiệt từng giữ các chức vụ lãnh đạo: Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu năm 1954; Ủy viên Xứ ủy Nam bộ; Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến; Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam bộ), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ từ năm 1991 - 1997.

Ngày 11/6/2008, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Tin liên quan