Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa... Hội thảo nhằm tưởng nhớ, tri ân cuộc đời cách mạng cao đẹp và những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng với Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nhà lãnh đạo xuất sắc trong thời chiến
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng đã ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đường dây 500 KV Ảnh Tư liệu |
Trên cương vị Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm (1940), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), góp phần viết nên trang sử hào hùng, bất khuất của nhân dân Nam Kỳ. Trong Cách mạng tháng Tám, ông là Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, đã xây dựng U Minh trở thành căn cứ địa, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam bộ, trên cương vị là Phó Bí thư rồi Bí thư các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp lãnh đạo quân dân Tây Nam bộ kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang (1955-1959), Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam (1959-1969), Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Trung ương Đảng (1969-1973), Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, phụ trách khối Dân vận - Binh vận - Mặt trận (1973-1975).
“Đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiên cường bám trụ, sâu sát cơ sở, thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược trong lãnh đạo quân dân Nam bộ vượt qua những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, ác liệt, đưa cuộc kháng chiến giành thắng lợi từng bước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Thắng nhấn mạnh.
“Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rời xa chúng ta, để lại một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Cuộc hội thảo hôm nay không chỉ tưởng nhớ nhân cách một con người chính trực, chân thành, khí khái, nhân hậu và lịch lãm; mà còn khâm phục một chiến sĩ cách mạng luôn có mặt khắp chiến trường nóng bỏng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng dấn thân vì đất nước, vì nhân dân”
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên
Tham luận tại hội thảo của Quân khu 9 cho biết, sau Mậu Thân, Mỹ Ngụy tăng cường càn quét ác liệt, dã man và tàn bạo tại miền Tây Nam bộ trong khi quân ta gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của địch là “Cửu Long cuộn sóng”, “Nhổ cỏ U Minh” đánh chiếm bằng được các vùng căn cứ quan trọng của ta. Trước tình hình cam go, năm 1969, Quân ủy bổ nhiệm ông Lê Đức Anh (sau này là Đại tướng, Chủ tịch nước) làm Tư lệnh Quân khu 9, ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 9.
Ông Võ Văn Kiệt dành thời gian đi cơ sở nắm tình hình, thăm địa phương và bộ đội. Ông phát hiện ra những hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ nhân dân, khiến ta gặp nhiều khó khăn khi địch mở rộng việc bình định. Ông Võ Văn Kiệt và ông Lê Đức Anh đã đưa ra biện pháp kiện toàn sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao nhất vai trò của hệ thống chỉ huy trong toàn quân khu.
Quân khu 9 quyết tâm sử dụng mọi lực lượng đánh bại ý đồ lấn chiếm U Minh của địch, từng bước giành lại địa bàn chiến lược. Quan điểm của Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt và của lãnh đạo quân khu lúc đó là “Lực lượng vũ trang bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng dân hình thành lực lượng tổng hợp tấn công địch. Bộ đội tập trung kết hợp chặt chẽ với dân quân du kích, phải thường xuyên đánh địch, tạo thế tiến công”.
“Nhờ những giải pháp đồng bộ sát tình hình thực tế, sự phối hợp nhịp nhàng trên toàn quân khu, quân ta đánh bại các cuộc hành quân của địch đồng thời còn mở ra thêm những vùng giải phóng rộng lớn” - Báo cáo của Quân khu 9 khẳng định.
Nhiều dấu ấn trong thời bình
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982) và Đại hội toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) của Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước (tháng 4/1982), quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tháng 3/1988), Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (tháng 6/1988) và Thủ tướng Chính phủ (tháng 8/1991).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo triển khai những công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, như: đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; công trình thoát lũ ra biển Tây; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên; xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất...mang lại hiệu quả to lớn và là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh khẳng định: “Có thể nói “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Những năm 1990, trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây, cô lập, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sớm chỉ ra rằng thế giới ngày nay là đa dạng, đa cực và hội nhập quốc tế là tất yếu của lịch sử, là vấn đề sống còn.
Sách lược ngoại giao của Việt Nam những năm đầu đổi mới là hội nhập “Hoa sen nở”, từ trong ra ngoài, từ gần đến xa. Đó là việc xây dựng mối quan hệ tốt với Đông Nam Á và Trung Quốc, mở rộng quan hệ quốc tế ra Nhật Bản, Hàn Quốc và mở rộng ra châu Âu…
Trong chiến tranh hay trong thời bình, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn xem đại đoàn kết dân tộc là nguồn lực là sức mạnh của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm, tham quan vườn ông Sáu Dân
Chiều 22/11, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Ảnh: Nhật Bắc |
Sau khi dâng hoa, hương tưởng niệm, đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã đến tham quan khu Vườn ông Sáu Dân - một không gian đối thoại về lịch sử, truyền thống cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam tổ chức phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022)” theo nghi thức đặc biệt, nhằm tri ân những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng. Với phong cách thiết kế đồ họa, hình ảnh cô đọng, chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cờ Tổ quốc được thể hiện trên nền màu vàng biểu tượng của niềm tin và hy vọng, góc phải của mẫu tem là hình ảnh đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam (mạch 1) - dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp của cố Thủ tướng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. KIM HÀ