Năm nay, tròn 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Quang quyết định tặng kỷ vật quý giá nhất của người anh kết nghĩa cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, với mong muốn thế hệ mai sau đều thấy được kỷ vật đánh dấu nghĩa tình của cố Thủ tướng dành cho anh em, đồng đội.
Ông Võ Ngọc Quang (ngụ xã Tân An Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), còn được gọi là Ba Quang. Ông nguyên là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long).
Nghe có người tới hỏi thăm về “anh Sáu Dân” (Bí danh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), ông lão 88 tuổi, đầu tóc bạc phơ ra tận ngõ chào đón.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân. |
Xung quanh vườn bưởi trĩu quả là căn nhà cấp bốn của nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban tỉnh. Nhà của ông Ba Quang rất ngăn nắp và ông luôn dành vị trí trang trọng nhất để lưu giữ những tấm bằng khen kỷ niệm một thời cách mạng của mình; trong đó, có bằng khen của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Ba Quang luôn nhớ như in những kỷ niệm với người lãnh đạo, người anh, người đồng đội - một nguyên thủ quốc gia rất đỗi bình dị và gần dân.
Ông Ba Quang tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Năm 1962, huyện Cái Nhum (nay là huyện Mang Thít) bị giặc càn quét, anh em hy sinh hết, còn một mình ông ở lại tiếp tục hoạt động ở rừng U Minh (Cà Mau).
Ông Võ Ngọc Quang bên tấm bằng khen do cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tặng - Ảnh: Kim Hà. |
Tại đó, ông Ba Quang gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ấy là Ủy viên Trung ương Cục, kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, bí danh Tám Thuận.
“Thấy anh em xuống anh Kiệt rất mừng. Dù là lãnh đạo nhưng anh rất gần gũi, hỏi thăm quê quán mới biết hai chúng tôi cùng quê Vĩnh Long. Khi đó, anh Kiệt mới đề nghị tôi và anh làm anh em kết nghĩa, vì đi chiến đấu xa xứ mà gặp đồng hương anh coi như ruột thịt trong nhà vậy”, ông Ba Quang bùi ngùi nhớ lại.
Sau đó, ông Ba Quang được phân công vào Đội Phòng thủ bảo vệ Quân khu. Theo lời kể của ông, vào một buổi sáng năm 1963, máy bay phản lực của địch bất ngờ tập kích, phóng đạn gần chỗ ở của ông Kiệt và ông Đồng Văn Cống (Tư lệnh quân khu, bí danh Chín Hồng). Thấy vậy, để đánh lạc hướng của địch, ông Quang đã dùng súng bắn chiếc máy bay phản lực, giải vây cho hai lãnh đạo.
Ngày hoà bình lập lại, người đồng đội năm xưa nay đã là Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn rất bình dị. Năm 1982, trong một lần ông Ba Quang ra thăm người anh kết nghĩa, cố Thủ tướng vẫn nhớ kỷ niệm năm xưa và đã tặng khẩu súng K59 cho ông Ba Quang để làm kỷ niệm.
Ông Võ Ngọc Quang – Nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cửu Long nhớ mãi những hình ảnh gần gũi, giản dị của người lãnh đạo, người anh thương quý và luôn răn dạy con cháu, noi theo tấm gương ấy trong đối nhân xử thế. Ảnh: Kim Hà. |
Ông Ba Quang vẫn nhớ mãi nhưng hình ảnh giản dị, gần gũi của cố Thủ tướng và luôn răn dạy con cháu, noi theo tấm gương ấy trong đối nhân xử thế.
Ông hồ hởi: “Dù ở cương vị Thủ tướng nhưng anh không ngần ngại nói về xuất thân của mình. Có lần về thăm, anh tâm sự “Em ơi! Hồi đó gia đình anh nghèo lắm, anh cũng phải đi ở đợ cho người ta nên anh hiểu hết cái khổ của người dân nghèo. Từ đó, anh thương bà con lắm, việc gì tốt cho dân là anh phải làm”. Tôi thương anh Kiệt nhất ở điểm này. Câu nói của một nguyên thủ quốc gia khiến ai ai nghe cũng ấm lòng”.
Không cao lương mỹ vị, theo nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cửu Long, cố Thủ tướng rất thích ăn món cá chạch kho nghệ. Mỗi lần người anh kết nghĩa về Vĩnh Long, ông lại làm món này cho anh. Từ khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi xa, trên mâm giỗ hàng năm, ông Quang vẫn làm món này dâng cúng người anh thương quý.
Bà Lê Ngọc Anh – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long cho biết, dịp Kỷ niệm 100 ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, bảo tàng đã sưu tầm hơn 200 hình ảnh và một số hiện vật về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Các hiện vật gồm: Bộ bàn ghế được cố Thủ tướng sử dụng trong phòng ngủ khi công tác tại Thành uỷ TP Hồ Chí Minh từ năm 1976 – 1982. Bức tranh bằng lá thốt nốt do nghệ nhân Võ Văn Tạng (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) làm và tặng cho ông Nguyễn Hữu Khánh – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ An Giang làm ảnh thờ trong giỗ đầu tiên của cố Thủ tướng năm 2009. Tiếp theo, là chiếc điện thoại bàn và 2 chiếc áo của vợ chồng ông Đặng Hoàng Du và bà Nguyễn Minh Nguyệt - người đã hiến đất xây dựng Đình Bình Phụng. Một kỷ vật nữa là chiếc thùng được cố Thủ tướng sử dụng tát nước xuồng trong thời gian được bà Lê Thị Thưởng (Năm Hạnh) là người của Ban liên lạc An Ninh miền Nam đón từ Campuchia về Bến Tre vào tháng 4/1969; khi đó, ông là Bí thư Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định. Cuối cùng là khẩu súng K59 cố Thủ tướng tặng cho ông Võ Ngọc Quang.