Trách nhiệm nghệ sỹ mùa cách ly

Xuân Bắc-Tự Long tích cực làm video, kêu gọi người dân lan tỏa “Vì Việt Nam khỏe mạnh”
Xuân Bắc-Tự Long tích cực làm video, kêu gọi người dân lan tỏa “Vì Việt Nam khỏe mạnh”
Ba tháng nay màn nhung ở các nhà hát buông im lìm. Những ngày giãn cách xã hội, nghệ sĩ cũng phải cách ly, thế nhưng họ có lựa chọn riêng để thể hiện trách nhiệm của mình.

CÁCH LY NGHIÊM TÚC
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cuối tuần rồi gửi thư tới toàn thể nghệ sĩ, truyền thông về việc ngưng tổ chức tiệc kỷ niệm 42 năm thành lập nhà hát. “Không tổ chức lễ kỷ niệm, Ban giám đốc chu đáo gửi quà tới các thế hệ nghệ sỹ, cán bộ của Nhà hát. Nghệ sỹ và khán giả chia sẻ những kỷ niệm ngọt ngào về Nhà hát Tuổi trẻ cũng là điều mừng”, Chí Trung nói. Nhà hát xong một số chương trình ca múa nhạc, vở diễn cho thiếu nhi chỉ chờ tổng duyệt nhưng e khó ra mắt dịp 1/6.
Năng động như Chí Trung giờ phải chịu trói chân tay cũng không dễ? Anh cười, trừ các buổi chiều lên Nhà hát trực còn lại đều ở nhà. “Dịch bệnh bất khả kháng, chúng ta không thể làm gì. Riêng tôi lại thấy đây là cơ hội xả hơi, chưa bao giờ nhàn hạ thế”, Chí Trung nói. 
Nhớ nghề là cảm giác của rất nhiều nghệ sỹ sân khấu. NSƯT Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) cho hay, nghệ sĩ phải tuân thủ chỉ đạo ở nhà của Thủ tướng, tập vở cũng phải chờ hết dịch. Nhiều người than thở ở nhà dễ béo phì, Quang Khải cười: Do mỗi người tự lựa chọn, nghệ sĩ phải có ý thức giữ dáng, giờ càng cần tập luyện, cả thể hình lẫn luyện thanh. Không đến sàn tập, hằng ngày anh ngồi nhà bật nhạc để “luyện cổ họng khỏi cứng”.
Mạng xã hội những ngày này nhiều thông tin vui về việc cách ly khiến gia đình mâu thuẫn nặng, thậm chí số vụ ly hôn tăng cao. Quang Khải nghĩ khác: “Bây giờ là lúc quan tâm gia đình nhiều hơn, sống chậm lại. Dịch bệnh không chừa ai, cướp đi sinh mạng rất nhiều người trên thế giới. Nguy cơ hiện hữu, tôi nghĩ chúng ta càng phải chắt chiu, dành tình thương yêu cho nhau nhiều hơn”. Sống chậm, nghĩ chậm và hành động sau này cần khác đi, Quang Khải tự thấy anh quan tâm nhiều hơn tới môi trường trong những ngày giãn cách xã hội này. 
Là một trong những nghệ sỹ sân khấu bận rộn bậc nhất miền Bắc bởi luôn nhận được lời mời dựng vở, nay NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thành thật: Hầu như cố thủ trong nhà. Nghệ sỹ cũng như người thường, bị giam hãm giữa những bức tường dễ sinh nhàm chán. Họ cũng nhớ bạn, nhớ nghề nhưng phải tuân thủ quy định.
Nhà hát hầu như dừng mọi hoạt động, còn lại đều chuyển qua hình thức trực tuyến. Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát họp, chốt việc qua mạng. “Đợt này có thời gian lắng lại tôi thấy mình chiêm nghiệm được nhiều thứ hơn. Có lẽ nhiều người cũng nhận ra có những điều quý giá trong cuộc sống như sức khỏe, gia đình, nhất là tình cảm với dân tộc, đồng bào, là điều ít khi mọi người cảm nhận sâu sắc đến thế. Trong hoạn nạn, chỉ gia đình, đồng bào mới lo lắng cho mình đến vậy, vì thế hơn lúc nào hết ta thấy rõ phải có trách nhiệm với cộng đồng”, NSND Triệu Trung Kiên nói.

VÌ VIỆT NAM KHỎE MẠNH
Giãn cách xã hội tuyệt đối là cần thiết để an toàn đi qua đại dịch, nghệ sỹ ai nấy tuân thủ vì trước hết quý trọng tính mạng bản thân. Thế nhưng không ít người chấp nhận rủi ro vì mục tiêu chống dịch. Đó là Trung Anh (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSND Hoàng Dũng, diễn viên Thu Quỳnh (Nhà hát Tuổi trẻ), Thanh Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội) trực tiếp làm phim trong thời đại dịch. 
Những ngày không quên là phim truyền hình sinh ra giữa đại dịch, mục đích tuyên truyền cho cuộc chiến chống dịch. Tất cả chuyện thời sự như trốn cách ly, phạt hành chính với tung tin thất thiệt, tích trữ hàng, nỗi hoang mang của dân chúng... đều được chuyển tải. Tất nhiên kịch bản và những thông điệp tuyên truyền trong phim chưa thực sự mượt, nhưng người xem ghi nhận đóng góp của nghệ sỹ trong tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
NSND Trung Anh có chút lo, bởi độ tuổi U60 nguy cơ cao nhưng anh vui vẻ chấp nhận làm tròn trách nhiệm nghệ sỹ khi xã hội cần. Thu Quỳnh kể, hai tuần nay nhập đoàn phim Những ngày không quên, cô tự nguyện cách ly gia đình, chấp nhận không được gặp con trai. Gác nỗi buồn riêng để hoàn thành vai diễn, Thu Quỳnh xem đó là vinh dự được đóng góp chuyên môn vào nhiệm vụ chống dịch đặc biệt.
NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện trách nhiệm bằng cách lan tỏa loạt chiến dịch đẩy lùi COVID-19. “Trách nhiệm nghệ sỹ gắn liền với trách nhiệm công dân, bằng việc thực hiện nghiêm các yêu cầu, khuyến nghị của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, do sự ảnh hưởng nhất định với công chúng, nghệ sỹ cần có ứng xử, hành động mang tính lan tỏa để thể hiện sự đồng lòng của toàn dân tộc chống đại dịch”, Xuân Bắc nói.

Trách nhiệm nghệ sỹ mùa cách ly ảnh 1 Diễn viên Thu Quỳnh chấp nhận rủi ro để làm phim chống dịch
Xuân Bắc tích cực kêu gọi mọi người thực hiện chiến dịch “Vì Việt Nam khỏe mạnh”. Hàng loạt người nổi tiếng như HLV Park Hang-seo, ca sĩ Tuấn Hưng, hoa hậu Trần Tiểu Vy, Á hậu Huyền My, cầu thủ Đặng Văn Lâm... tự quay video khẳng định chung tay đẩy lùi COVID-19 vì Việt Nam khỏe mạnh. “Chúng ta ở nhà để làm gì? Cách ly xã hội để làm gì? Mỗi người không cần làm gì to tát, chỉ cần bạn khỏe mạnh cũng góp phần giúp Việt Nam khỏe mạnh. Đó là điều chúng tôi muốn cả xã hội vào cuộc”, anh nói.

Xuân Bắc là một trong số thành viên tích cực phát động phong trào “Việt Nam mạnh mẽ” khuyến khích người dân làm video cá nhân tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch. Người dân chỉ cần điền thông tin cá nhân, lời nhắn nhủ cảm ơn còn ê kíp của anh lo kinh phí để sản xuất video đó. Chỉ 5 ngày, ê kíp của Xuân Bắc nhận được 5-6 nghìn video cảm ơn tuyến đầu. 

MỚI - NÓNG