Trà sữa

Trà sữa
TP - Hà Nội từng ngày mọc lên càng nhiều các quán trà sữa sang chảnh. Quán nào cũng đưa ra bảng giá trên trời mà đuổi không hết khách. Thế mới biết người trẻ Việt biết làm giàu... cho nước ngoài. Nhưng nếu gọi là biết hưởng thụ thì còn xa. 

Vì bỏ ra một số tiền tương đối lớn song họ chỉ được phục vụ trong cốc nhựa dùng một lần, phải lấy số xếp hàng như đi nhận phát chẩn, rồi cũng chẳng có chỗ mà ngồi, phải vừa đi vừa mút. Chưa kể không phải lúc nào vị trà sữa cũng ngon như kỳ vọng. Nhưng họ vẫn muốn thử hết vị này đến vị khác, hết quán này đến quán khác. Thử tưởng tượng một đại gia Đài Loan nhiều tiền chỉ cần mở nhiều quán trà sữa với tên hiệu khác nhau rồi pha phách thêm bớt vài thành phần, đủ để kiếm bộn. Nói chung là khách Việt dễ dụ.

Tình hình cứ thế tiếp diễn cho đến khi vài người Việt từ nước ngoài về thấy lạ, sao dân mình tiêu tiền dễ thế. Người ta bèn đổ xô vào giải thích tiền đâu mà nhiều bạn trẻ uống trà sữa đắt như vậy. Mà bỏ qua một câu hỏi đáng lưu tâm hơn từ giảng viên Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM): “Nếu chi như vậy thì các bạn còn đủ để đầu tư vào các mục như nhà cửa, học hành, sách vở để phát triển bản thân, hỗ trợ gia đình, tiết kiệm và giúp đỡ cộng đồng không?”.

Với số tiền mua một cốc trà sữa ở Hà Nội, tại Myanmar mua được cả túi trà sữa uống liền gồm 30 gói. Ở Yangon, bạn có thể ra phố nhâm nhi trà pha sữa đặc ở bất cứ góc phố nào. Ở đây nó là thức uống bình dân, được bán với đúng giá trị. Ở Bangkok cũng thế, hồng trà sữa đựng trong cốc nhựa bán tại vỉa hè với giá vừa phải cho những người có nhu cầu giải khát thực sự. Ở những nơi đó, bạn dùng trà là giúp người lao động thêm thu nhập chứ không phải làm giàu cho những tài phiệt thừa tiền.

Nói chung vấn đề không phải bạn đủ tiền để chi cho cốc trà sữa mà bạn có đủ ý thức về quyền lực của người tiêu dùng quyết định giá trị đồng tiền bỏ ra hay không. Chứ còn họ bán giá nào ta cũng dốc túi trả, thì đừng hỏi sao ta mãi là người tiêu dùng của thế giới. Tức là thế giới cứ việc làm và bán, việc tiêu thụ đã có Việt Nam lo.

MỚI - NÓNG