Tại khu vực Hội trường đa năng, nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng đáp ứng nhu cầu học tập, thăm quan, hưởng thụ văn hoá của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân. Bộ VHTT&DL yêu cầu bảo tàng tiếp tục rà soát, điều chỉnh các hạng mục dịch vụ khác với mục tiêu chính là phục vụ khách thăm quan, nâng cao hơn hàm lượng văn hoá. Khu vực Nhà hàng Đại Hải hiện nay cần thực hiện chỉnh trang ngay từ tháng 5/2017 để đảm bảo thông thoáng, đảm bảo cảnh quan và điều chỉnh lại nội dung hoạt động theo đúng chủ trương của Bộ. Bộ VHTT&DL cũng yêu cầu bảo tàng tiếp tục hồ sơ pháp lý, sắp xếp nhà đất, báo cáo thu chi tài chính, báo cáo tài sản phục vụ đoàn kiểm tra sắp xếp, xử lý nhà đất và đoàn kiểm tra quyết toán tài chính thường niên.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong chiều ngày 5/9, ngoài khu tiệc cưới Thúy Cải đã dừng kinh doanh hoạt động tại nhà hàng bia Lan Chín vẫn hết sức nhộn nhịp khách vào ra. Hoạt động của nhiều nhà hàng khác trong khuôn viên bảo tàng vẫn không mấy thay đổi. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định, ngay trong tuần này lãnh đạo Bộ sẽ có buổi làm việc với các bên liên quan để xử lý dứt điểm vụ việc. “Quan điểm nhất quán của Bộ là phải xử lý nghiêm các vi phạm tại bảo tàng. Trường hợp cố tình không chấp hành sẽ đề nghị xem xét trách nhiệm người đứng đầu”, đại diện Bộ VHTT&DL khẳng định. Trước đó, trong tháng 4/2017, báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh tình trạng bảo tàng lấy danh nghĩa “xã hội hoá” cho 5 nhà hàng thuê hàng nghìn m2 nhà đất với “giá bèo” mở nhà hàng, tiệc cưới, tổ chức sự kiện... ảnh hưởng đến không gian văn hoá lịch sử, gây bức xúc dư luận.