Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc vũ trụ của Nga và Mỹ. |
Trong 5 năm gần đây, công ty "Futron" liên tiếp đưa ra chỉ số xếp hạng về khả năng cạnh tranh của các nước khác nhau trong lĩnh vực thăm dò vũ trụ. Các chuyên gia đưa ra kết luận dựa trên việc phân tích chương trình của chính phủ, cơ sở công nghiệp và nguồn nhân lực ở các quốc gia khác nhau.
Báo cáo mới nhất cho biết Nga và Mỹ vẫn là các nước dẫn đầu lĩnh vực chinh phục vũ trụ: trong 10 năm cuối đã có 640 cuộc phóng tàu vũ trụ được thực hiện thành công, trong đó Nga chiếm 255 lần, Mỹ - 191, Trung Quốc – 8 lần.
Tuy nhiên, nếu xét trong khoảng thời gian một năm trở lại đây, có thể thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đang tích cực cố gắng thu hẹp khoảng cách với hai nước hàng đầu. Trong sáu tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng phóng tàu vũ trụ.
Trung Quốc thực hiện 10 vụ phóng thành công, Nga - 9, Mỹ - 8 vụ. Trung Quốc đang gia tăng kinh phí nhà nước để đào tạo chuyên gia cho ngành công nghiệp không gian.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tăng ngân sách cho việc thực hiện các chương trình nghiên cứu vũ trụ.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đạt được những thành tựu nhảy vọt để có tiếng nói mới trong chinh phục vũ trụ. Hiện nay, Trung Quốc chủ yếu là đang cố gắng khắc phục tụt hậu để bắt kịp tiến độ thế giới.
Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Victor Supian nhận định “Trung Quốc thực hiện được nhiều vụ phóng tàu vũ trụ hơn. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng họ chỉ lặp lại những gì đã được thực hiện tại Mỹ và Liên Xô trước đây. Hầu hết các chương trình Trung Quốc là dựa trên công nghệ của Nga.
Có thể thấy những nỗ lực của Trung Quốc để bắt kịp thế giới, không chỉ trong lĩnh vực vũ trụ, mà cả trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, họ phải phấn đấu nhiều năm nữa để đạt trình độ hiện tại của công nghệ vũ trụ Nga”.
Theo hầu hết các chuyên gia, sự tích lũy tiềm lực khoa học và công nghệ Trung Quốc đang được tiến hành rầm rộ và trong vòng 10-15 năm tới Trung Quốc có thể đạt bước đột phá thực sự trong ngành vũ trụ có người lái.
Một sự kiện quan trọng của năm nay là tàu vũ trụ có người lái ghép nối với các module quỹ đạo Tiangong-1, đó là nguyên mẫu cho trạm quỹ đạo không gian của Trung Quốc trong tương lai. Đến khoảng năm 2020, trên cơ sở "Tiangong-3" sẽ lập ra trạm vũ trụ thứ ba trên thế giới (sau trạm "Mir" và ISS) có thời hạn vận hành 10 năm.
Với việc chuẩn bị thành công cho kế hoạch xây dựng và kế hoạch nghiên cứu vũ trụ, chương trình không gian của Trung Quốc trong thập kỷ tới có thể so sánh về quy mô với chương trình đã được thực hiện tại Liên Xô trong những năm 1980.
Theo VOR