Ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trụ sở chính ở Philippines, nói rằng, bốn ưu tiên của Thượng đỉnh APEC năm nay gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Các nhà lãnh đạo APEC có thể sẽ tái khẳng định về những biện pháp mà các bộ trưởng thương mại APEC tháng trước nhất trí áp dụng. Các nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy các biện pháp này”, ông Menon, chuyên gia về thương mại và hợp tác khu vực, nói. Các biện pháp này nhằm giải quyết đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, bao gồm các nguồn tài chính mới, đa dạng; tài chính bao trùm; chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; và tài chính, bảo hiểm rủi ro thiên tai.
“Thương mại cũng có thể là một điểm chính trong chương trình nghị sự. Các nhà lãnh đạo có thể thảo luận phương cách làm dịu làn sóng bảo hộ đang dâng cao. Một hội nghị về TPP được tổ chức trong Tuần lễ Cấp cao APEC”, chuyên gia ADB nói. Khả năng hình thành một TPP 2.0, gồm 11 nước thành viên, không có Mỹ, là có. Nhưng khả năng này giảm đi sau khi New Zealand có chính phủ mới mà đảng Lao Động cầm quyền trước đây bày tỏ lo ngại liên quan TPP, ông Menon nhận định.
“Hy vọng rằng RCEP có thể đạt được trong năm 2018, dù hiệp định này cũng đang phải đối mặt một số khó khăn”, ông nói. Một số thành viên từ chối nhượng bộ trong các vấn đề tự do hóa chính yếu. Một số lo ngại rằng, những trở ngại đó nếu không được giải quyết nhanh chóng có thể sẽ đẩy thời điểm hoàn tất RCEP sang sau năm 2018.
Nhưng một khi RCEP được thành lập, bước tiếp theo sẽ là mở rộng nó, hướng tới hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn thông qua Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định. “Dù đề xuất FTAAP hiện nay chỉ bao gồm 21 nền kinh tế APEC, khu vực này nên tiếp nhận thêm các nước RCEP mà không phải là thành viên của APEC, như Ấn Độ và những thành viên mới nhất của ASEAN”, ông nói.
TS Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, nói: “Về TPP-11, theo tôi biết đến thời điểm này, tinh thần khá tích cực. Còn hiệu quả và mức độ tích cực đến đâu thì cũng sẽ vẫn phải chờ đến cuộc họp chính thức của các lãnh đạo TPP-11 trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Bản tuyên bố sẽ sớm được công bố”.
Ông Thành nói ông rất mong muốn những điều tích cực trong bản tuyên bố được thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, việc “đóng băng”, tạm dừng một số cam kết, điều khoản sẽ ở mức tối thiểu và các cam kết giữ được tinh thần của một hiệp định chất lượng cao, gắn nhiều với cải cách thể chế và hướng nhiều đến cách thức kinh doanh thương mại, đầu tư của thế kỷ 21. Thứ hai, bản tuyên bố sẽ vạch rõ lộ trình kết thúc đàm phán để đi đến thỏa thuận và đưa TPP vào thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.
Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nhận định: “Vì lực lượng lao động trẻ, đang gia tăng của Việt Nam bắt đầu già đi và việc chuyển đổi lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang sản xuất và dịch vụ bắt đầu chậm lại, Việt Nam hiện giờ cần các nguồn tăng trưởng mới để thay thế. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ cần tạo lập một môi trường thuận lợi hơn ở cấp độ từng ngành, từng lĩnh vực bằng cách nâng cao tính cạnh tranh trong nước và giúp các ngành thăng hạng trong chuỗi giá trị”. Theo ông, điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam đạt được những lợi ích lớn hơn từ đầu tư nước ngoài, từ các hiệp định như TPP và giúp các ngành như sản xuất, chế tạo, dịch vụ… đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng năng suất.