TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16: Không để người dân thiếu, đói

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM đang phát huy năng lực cung ứng hàng hóa của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống ảnh: Uyên Phương
TPHCM đang phát huy năng lực cung ứng hàng hóa của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống ảnh: Uyên Phương
TP - Sáng 8/7, kết luận cuộc họp với TPHCM về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 16 là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết, phù hợp và đã được cân nhắc, trao đổi nhiều lần. Theo Thủ tướng, lúc này, ưu tiên cao nhất là công tác chống dịch để đưa thành phố trở lại bình thường.

Khuyến nghị ba hình thức giãn cách

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TPHCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Ông khuyến nghị TPHCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: toàn thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung. Với vùng lõi nên xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 - 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.

Đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. “Thành phố đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”, ông Phong nói. Ngày 8/7, UBND TPHCM yêu cầu Sở Công Thương kích hoạt Chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000-150.000 tấn/tháng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

H.Thịnh-U.Phương

Ông Long khuyến nghị TPHCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Về vắc-xin, ông cho biết, trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TPHCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Lên kịch bản 50.000 ca nhiễm

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu TPHCM phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản đến 50.000 ca nhiễm để bố trí đủ nguồn lực. Thủ tướng nêu rõ, nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; tăng cường hình thức làm việc trực tuyến...

Trong khi đó, báo cáo phương án chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đã khảo sát, đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến. TPHCM cũng chuẩn bị khoảng 400 xe taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. Thay đổi phương thức làm việc cho các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn, số lượng người làm việc tại các công sở không quá 1/3, riêng lực lượng vũ trang và y tế duy trì 100% quân số. Ông Phong kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.

“Thành phố cần quan tâm đặc biệt tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu tối thiểu”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Quyết tâm đưa thành phố trở lại bình thường

Về bảo đảm hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ phối hợp cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam trong mọi tình huống”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra.

1 ngày có 1.314 ca mắc COVID-19

Bộ Y tế cho biết, ngày 8/7, Việt Nam ghi nhận số mắc mới COVID-19 kỷ lục: 1.314 ca. Trong đó, 1.307 ca ghi nhận trong nước, riêng tại TPHCM là 915 ca.

Hà Minh

Lưu ý việc chống dịch lần này ở TPHCM là chưa có tiền lệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố và các đơn vị phải bám sát tình hình thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Quan trọng nhất là vì lợi ích chung, vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Chính phủ tiếp tục ưu tiên vắc-xin cho TPHCM và các địa phương trong khu vực. Tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về biến chủng mới của virus để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

MỚI - NÓNG