TP.HCM: Nước máy có vấn đề

TP.HCM: Nước máy có vấn đề
TP - Từ nước nguồn, nước nhà máy đến nước máy trên mạng cấp nước, nước chung cư và nước ghe sà lan, sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm, đều nhiễm các yếu tố vi sinh, hóa lý.
TP.HCM: Nước máy có vấn đề ảnh 1

Ở khu ngập nước, dân sử dụng nước giếng, nguy cơ nhiễm bẩn càng cao. Ảnh: Lê Nguyễn

Vấn đề này Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM báo cáo với đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội- HĐND TPHCM hôm qua 12/3.

Nhiễm đủ loại

Theo thạc sĩ- bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân- Trưởng khoa Y tế Cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, nguồn cung cấp nước cho thành phố chủ yếu từ sông Đồng Nai qua xử lý của nhà máy nước Thủ Đức và Cty Cấp nước Bình An. Riêng nước từ sông Sài Gòn qua xử lý của nhà máy nước Tân Hiệp.

Ngoài ra, có nguồn nước ngầm được Cty TNHH một thành viên nước ngầm Sài Gòn xử lý với công suất 60m3/ngày. Tất cả các nguồn nước trên sau khi xử lý sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân.

Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nước theo giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho thấy, nước chưa qua xử lý và cả xử lý đến tay người dân đều có vấn đề.

Theo BS Ngân, các mẫu nước sông tại họng thu nước các nhà máy đều có hàm lượng amoniac vượt tiêu chuẩn cho phép. Các mẫu nước lấy tại sông Đồng Nai- nơi được Trạm bơm Hóa An, nhà máy nước Bình An xử lý, đều có hàm lượng nitrit cao. Riêng tại họng thu nước từ nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp có nồng độ coliforms cao.

Trong khi đó, nước giếng thô qua theo dõi có hàm lượng sắt và mangan vượt tiêu chuẩn cho phép.

Sau khi lấy mẫu một tháng/lần tại bốn nhà máy nước, với 48 số mẫu, qua phân tích hóa lý và vi sinh, có hai mẫu nước tại nhà máy nước Bình An và Tân Hiệp không đạt do có độ pH.

“Thực hiện lấy 4.507 mẫu nước trên hệ thống cung cấp nước tại 19 quận, huyện để kiểm nghiệm clo dư, hóa lý và vi sinh, cho thấy có năm phần trăm có độ clo dư không đạt, nước bị nhiễm độ đục, độ màu cao. Tất cả các mẫu không đạt đều nằm khắp các quận huyện. Đặc biệt, các mẫu nước lấy tại quận 2, 3, Bình Tân và huyện Nhà Bè có độ oxy hóa, độ màu, nitrate, pH và amoniac vượt quá tiêu chuẩn”- BS Ngân cho biết, đa số các mẫu không đạt trên do bị nhiễm Coliforms, E.Coli.

Kiểm tra nguồn nước ở 374 chung cư ở TPHCM, gần 100 chung cư có nguồn nước không đảm bảo.

Biết bẩn vẫn xài

Tại quận 7 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh… tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra từ 15 ngày nay, buộc họ phải mua nước với giá cao và sử dụng nước giếng trong nấu ăn sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo BS Ngân, nước giếng ở các hộ dân, do không được khử trùng nguồn nước nên mật độ nhiễm vi sinh, các chất độc hại rất cao.

“Nhiều năm nay tôi vẫn xài nước giếng. Mỗi lần lấy nước lên là có mùi tanh khó chịu nhưng cũng phải chấp nhận dùng vì không còn lựa chọn nào khác”- Anh Thành ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết.

Theo bác sĩ Lê Văn Nhân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng như vậy là do trong lưu vực thu nước còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thải nước thải vô tội vạ nhưng chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ.

“Công tác giám sát chất lượng nước ở các hộ dân gặp không ít khó khăn. Toàn thành phố vẫn còn khoảng 10 phần trăm số hộ chưa được sử dụng nước trên mạng, trong khi do điều kiện kinh tế khó khăn và kiến thức vệ sinh còn thấp nên dân dù biết nước bẩn vẫn phải sử dụng vì không còn lựa chọn nào khác”- BS Nhân cho biết.

Trong 320 mẫu nước giếng ở các huyện vùng ven thành phố, hơn 54 phần trăm nhiễm vi sinh, nhiễm amoniac, pH, độ đục, độ màu còn nhiễm sắt, mangan và nồng độ nitrate vượt cao so với giới hạn cho phép. Đó là nước giếng trong dân. Còn các trạm cấp nước giếng tập trung trên 500 dân ở TPHCM kiểm tra vi sinh gần 30 phần trăm số mẫu không đạt.

Tại quận 8 khi kiểm tra 11 mẫu, có sáu mẫu nhiễm vi khuẩn gây tiêu chảy…Tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh nhiều chỉ tiêu về pH, độ màu không đạt.

Tương tự trong 37 mẫu xét nghiệm nước ghe, sà lan ở huyện Cần Giờ, gần 30 phần trăm số mẫu nước nhiễm e.coli, coliforms và các chỉ tiêu pH, sắt, độ đục…

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.