TPHCM 'khai tử' lò mổ thủ công

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đầu tháng 4, TPHCM chính thức “khai tử” lò mổ thủ công, đồng thời đưa nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại thịt từ lò mổ thủ công tại các tỉnh lân cận được vận chuyển ngược về thành phố.

Ngày 2/4, bên trong nhà máy của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi, TPHCM), 6 dây chuyền giết mổ công nghiệp hiện đại đều đi vào hoạt động. Các công đoạn sản xuất được vận hành bằng cơ giới hóa, có tính tự động cao, nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thông tin quản lý toàn diện giúp thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết, 6 dây chuyền giết mổ hoạt động theo đúng quy trình công nghệ được Sở NN-PTNT TPHCM thẩm định, được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP. Công suất của nhà máy là 3.240 con/ngày, tuy nhiên trong 2 ngày đầu, lượng heo giết mổ tại đây dao động từ 2.100-2.200 con.

TPHCM 'khai tử' lò mổ thủ công ảnh 1

TPHCM chính thức đóng cửa các lò mổ thủ công. Trong ảnh: Heo được giết mổ trên dây chuyền hiện đại tại Công ty An Hạ. Ảnh: U.P

Theo bà Thắm, để hỗ trợ thương lái trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, công ty quyết định lấy giá gia công bằng giá giết mổ thủ công trước đó. “Để vận hành một nhà máy giết mổ công nghiệp, số vốn đầu tư đã hơn 700 tỷ đồng. Nếu tính theo giá gia công như trước đây thì mỗi tháng, công ty phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng và chúng tôi chỉ có thể cố gắng duy trì được trong vòng ba tháng nữa bằng cách bù lỗ hằng tháng”, bà Thắm nói.

Các đơn vị giết mổ công nghiệp ở TPHCM gồm Vissan (quận Bình Thạnh), An Hạ, Sagri, Lộc An (huyện Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn). Tổng số 5 nhà máy giết mổ heo công nghiệp đạt sản lượng 5.763 con.

Cũng vận hành 5 dây chuyền giết mổ hiện đại từ đầu tháng 4, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đã đầu tư hai nhà xưởng giết mổ công nghiệp với tổng số vốn hơn 270 tỷ đồng. Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn cho biết, đơn vị này cũng chủ trương giữ giá gia công theo giá giết mổ thủ công trước đây là 40.000 đồng/con, chưa thuế. “Chúng tôi hỗ trợ bà con trong một tháng đầu sau chuyển đổi nhằm giữ ổn định thị trường và sẽ cùng nhau bàn thảo định lại giá giết mổ trong khu vực công nghiệp”, ông Liêm nói.

Theo Sở NN-PTNT, từ ngày 1/4, toàn bộ 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công ở TPHCM chính thức ngưng hoạt động. Đến nay, thành phố có 5 nhà máy giết mổ công nghiệp.

Nỗi lo còn đó

Nhiều đơn vị vận hành dây chuyền giết mổ hiện đại lo lắng, thịt từ các lò thủ công ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ được vận chuyển ngược về TPHCM tiêu thụ.

Ông Tô Văn Liêm cho rằng, một trong những khó khăn hiện nay của đơn vị là tại các chợ đầu mối, nguồn hàng giết mổ thủ công ở các tỉnh cũng được nhập về bán trong thành phố. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm kiến nghị TPHCM kiểm soát lượng heo từ các cơ sở thủ công các tỉnh đưa về.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, cam kết, cán bộ thú y kiểm soát việc thương lái đưa heo về lò mổ thủ công sẽ yêu cầu chuyển qua nhà máy giết mổ công nghiệp. Từ đầu tháng 4, những giấy tờ vận chuyển heo về lò mổ thủ công đều không có giá trị trong quá trình kiểm soát giết mổ. “Thời gian tới, Chi cục sẽ kiểm soát chặt nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh”, ông Bảo nói.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện giết mổ theo công nghiệp, và sẽ cố gắng làm tốt việc này để có thể nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.

“TPHCM đang tiêu thụ từ 10.000-11.000 con heo/ngày. Trong đó, lượng heo giết mổ tại thành phố đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng; khoảng 2.000 con được giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về; số còn lại là heo đông lạnh nhập khẩu. Nhưng lượng heo giết mổ tại các tỉnh vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm soát chất lượng tại các chợ đầu mối. Sở và các đơn vị có liên quan của thành phố sẽ có cơ chế quản lý chặt nguồn thịt giết mổ thủ công ở các tỉnh rồi vận chuyển về TPHCM”, ông Hiệp nói.

MỚI - NÓNG