TPHCM giải bày với Chủ tịch Quốc hội lý do chậm triển khai cơ chế, chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đối với sự phát triển của thành phố.

Chiều 20/3, đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TPHCM.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TPHCM triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (đến hết năm 2022), TPHCM khôi phục các đứt gãy của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch COVID-19.

TPHCM giải bày với Chủ tịch Quốc hội lý do chậm triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 1

Đoàn công tác của Quốc hội do Chủ tịch Vương Đình Huệ dẫn đầu làm việc với TPHCM chiều 20/3

Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2025), TPHCM tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của TPHCM.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, dịch COVID-19 đã gây nhiều tổn thất, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn người lao động TPHCM. Kinh tế TPHCM trong năm 2021 tăng trưởng âm sâu nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, như tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỷ USD (tăng 38,48% so cùng kỳ), kiều hối đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9% so với cùng kỳ), nhập khẩu tăng 12,9% so với cùng kỳ.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM đạt được nhiều kết quả. Một số chỉ tiêu đạt bằng cùng kỳ. Một số ngành đạt mức bằng như trước dịch như: Tổng thu ngân sách 2 tháng đạt hơn 88.000 tỷ đồng (đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ). Bình quân 1 ngày làm việc, thành phố thu khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa tăng 19,07%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1%.

Báo cáo về thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi cho biết đã trình HĐND TPHCM thông qua 32 dự án (với tổng diện tích hơn 1.840 ha) có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha giúp chủ động, rút ngắn thời gian xem xét việc chuyển mục đích của các dự án.

UBND TPHCM cũng trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A.

TPHCM cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM giai đoạn 2021-2025, 2026-2030. Năm 2022, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM được điều chỉnh từ 18% lên 21%.

“Sau nhiều năm tỷ lệ điều tiết liên tục giảm dần thì đây là thời kỳ ổn định ngân sách đầu tiên tỷ lệ điều tiết cho TPHCM tăng 3%. Việc này giúp tăng thêm nguồn lực chi đầu tư phát triển năm 2022, góp phần giảm bớt áp lực cho TPHCM trong cân đối ngân sách, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường” – ông Mãi cho hay.

TPHCM giải bày với Chủ tịch Quốc hội lý do chậm triển khai cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội chiều 20/3

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TPHCM thừa nhận, việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm do dịch bệnh COVID-19, còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định…

Cụ thể, hơn 4 năm qua, TPHCM không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn nên chưa được hưởng 50% khoản thu trên để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng thừa nhận chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa các năm trước gặp vướng mắc vì thiếu hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Việc sắp xếp nhà đất các đơn vị trung ương trên địa bàn còn chậm. Thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi thận trọng…

MỚI - NÓNG