TPHCM đề xuất F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được đi học trực tiếp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở GD&ĐT TPHCM và Sở Y tế cũng đang tính toán đề xuất cho những người đã tiêm vắc xin COVID-19 khi được xác định là F1 vẫn được đi học trực tiếp.

Ngày 23/3, trao đổi với PV, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM xác nhận thông tin trên.

TPHCM đề xuất F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được đi học trực tiếp ảnh 1

TPHCM đề xuất F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được đi học trực tiếp

Theo ông Dũng, trước đây TPHCM đã từng cho học sinh F1 đi học trực tiếp nhưng sau khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế, TPHCM đã cho học sinh F1 cách ly ở nhà 5 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và ở nhà 7 ngày nếu chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

“Thời điểm đó, việc cho học sinh F1 đi học trực tiếp khá ổn. Và đến nay, ở gốc độ giáo dục, ngành giáo dục nhận thấy việc cho học sinh F1 đi học là phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho việc dạy- học của nhà trường, giáo viên lẫn phụ huynh học sinh. Do đó, Sở GD&ĐT TPHCM và Sở Y tế đang tính toán đề xuất cho những người đã tiêm vắc xin COVID-19 khi được xác định là F1 vẫn được đi học trực tiếp”, ông Dũng nói và cho biết.

Theo ông Dũng, sau khi thống nhất ý kiến, Sở sẽ làm tờ trình tham mưu UBND TP để triển khai.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM cũng vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí của Bộ tiêu chí an toàn trường học trong phòng chống dịch COVID-19 để phù hợp với thực tế.

Sở cho rằng do tình hình dịch COVID-19 hiện đã cơ bản được kiểm soát ở các trường, F0 tại nhiều quận huyện giảm dần như quận 8, Bình Tân… Do đó, các hoạt động bán trú, tổ chức dạy học cần được tổ chức an toàn trong điều kiện bình thường mới nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở đề nghị bổ sung 5 tiêu chí gồm tỷ lệ học sinh tiêm vắc xin COVID-19, yêu cầu về điều kiện thông khí của phòng học trong cơ sở giáo dục, bố trí nhân viên phụ trách y tế trường học, khoảng cách tối thiểu giữa hai học sinh trong hoạt động bán trú và diện tích quy định đối với mỗi học sinh trong một lớp học. Trong đó, tiêu chí bắt buộc là điều kiện về thông khí.

Sở cũng đề xuất bãi bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu 1 mét trong lớp và 2 mét ngoài lớp học giữa 2 học sinh. Quy định về tiêu chí hoạt động trước và sau 16 giờ 30 đối với các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần được bãi bỏ.

Ở bậc tiểu học, Sở đề xuất tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh là 75%, thấp hơn so với tỷ lệ 95% của Sở Y tế TPHCM…

24 giờ, thế giới ghi nhận thêm gần 1,5 triệu ca mắc mới COVID-19

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng ngày 23/3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 473.745.028 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.109.785 ca tử vong. Số mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua là 1.472.677 và 4.194 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 409.649.301 người, 57.985.942 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 60.815 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 353.725 ca; Đức đứng thứ hai với 268.357 ca; tiếp theo là Pháp (180.777 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 502 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Nga 472 ca và Brazil với 333 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 81.463.362 người, trong đó có 999.536 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới với tổng cộng 43.010.971 ca nhiễm, bao gồm 516.574 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 29.682.615 ca bệnh và 657.696 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 172 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 133,48 triệu ca mắc. Bắc Mỹ ghi nhận trên 96,1 triệu ca, Nam Mỹ là trên 55,74 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,66 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,77 triệu ca.

MỚI - NÓNG