TPHCM đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
TPO - UBND TP.HCM cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ với điện thoại di động đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước".

Đáng chú ý, về thuế tiêu thụ đặc biệt, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

UBND TP.HCM lý giải, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Còn điện thoại di động, theo UBND TP.HCM đây cũng không thuộc diện "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng UBND TP. HCM không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng như điện thoại, nước hoa.

Theo ông Đức, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế giá trị gia tăng.

“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào”, ông Đức bình luận.

Hơn nữa, theo chuyên gia này, kinh tế thị trường phát triển cần phải loại bớt nhiều loại hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ, cần xem xét bỏ đánh thuế đối với mặt hàng “Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống”, vì nó cũng đã trở thành vật dụng thiết yếu.

Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, từ nhà giàu cho đến người nghèo đều dùng, chứ đâu còn là xa xỉ phẩm mà đòi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?

Về vấn đề điều tiết thu nhập của dân cư, theo Chủ tịch Basico, đấy là việc của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Người nghèo không phải nộp thuế, người khá thì nộp 10 – 20%, còn người giàu thì có thể phải nộp thuế lên đến 35% thu nhập.

“Cứ đánh thuế như thế không khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp với khẩu hiệu “tất cả cho sản xuất”, chắt bóp tích lũy, vì cái gì cũng thiếu, nên cấm ăn chơi, phải thắt lưng buộc bụng hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng. Cái này là lỗi tư duy”, Luật sư Đức bình luận.

Đáng chú ý, trước đó, TP. HCM từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu cao hơn các địa phương khác. Phải chăng, thành phố đang chịu áp lực về chuyện thu thuế, liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lần này?

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, rất khó nói động cơ đánh thuế đến từ đâu, chỉ có thể nói rằng nếu vì áp lực thu thuế mà có ý tưởng đánh thuế như vậy thì rõ ràng là không muốn theo đuổi nền kinh tế thị trường, không muốn xã hội phát triển, không muốn cải thiện đời sống nhân dân.

MỚI - NÓNG