TP HCM lên phương án đối phó áp thấp nhiệt đới

Cơn bão Pakhar từng vào TP HCM 4 năm trước gây ngã cây hàng loạt. Ảnh: H.C
Cơn bão Pakhar từng vào TP HCM 4 năm trước gây ngã cây hàng loạt. Ảnh: H.C
Áp thấp nhiệt đới kết hợp việc hồ Dầu Tiếng xả lũ về Sài Gòn, triều cường... đặt TP HCM vào tình trạng có nguy cơ ngập.

Nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến gần bờ, UBND TP HCM có công điện khẩn yêu cầu tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng... không được xuất bến. Các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ như gấu, cá sấu... cần gia cố chuồng trại hoặc di chuyển về nơi an toàn tránh xổng chuồng gây nguy hiểm cộng đồng.

Thành phố yêu cầu các trường cân nhắc cho học sinh, sinh viên nghỉ học nếu cần thiết. Tàu thuyền bị cấm ra khơi hoạt động thủy sản, các tàu còn trên sông biển phải vào bờ tìm nơi trú an toàn.

Lực lượng quân đội, công an cùng các đơn vị chức năng phải đốc thúc thực hiện các chỉ đạo này. Sẵn sàng các phương án để cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu. Các chi tiết về vị trí, tình hình áp thấp nhiệt đới phải được thông báo đến từng chủ tàu.

Các lực lượng chuẩn bị ngay các phương án di dời người dân, đảm bảo đủ nguồn cung nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men... Đặc biệt, huyện Cần Giờ phải chủ động lập phương án di tản người dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà đơn sơ dọc sông rạch.

Hồ Dầu Tiếng đang xả lũ xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 200 m3/s (từ ngày 3-10/11) cũng đặt ra vấn đề khiến TP HCM yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động phòng chống, ứng phó khi xảy ra tình huống bất lợi.

Trung tâm điều hành chống ngập, công ty Thoát nước đô thị phối hợp với quận huyện vận hành tốt các cửa xả, cống đập ngăn triều, máy bơm nước di động để kịp thời sử dụng khi ngập úng do triều cường, xả lũ kết hợp mưa lớn xảy ra.

Chuẩn bị cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát… đưa lực lượng túc trực tại các vị trí xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ bờ bao. Các quận huyện như Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 2… có nguy cơ sạt lở cao phải chuẩn bị phương tiện, chỗ ở để di tán.

Hiện, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Khi vào đất liền có thể suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ nay đến sáng 6/11 ở Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến khoảng 50-150 mm, có nơi trên 200 mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, Đăc Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to với lưu lượng 50-150 mm.

Lần gần nhất Sài Gòn có bão là tháng 4/2012. Cơn bão Pakhar vào TP HCM với gió mạnh, mưa lớn đã khiến nhiều nhà bị sập, hàng loạt cây cổ thụ bật gốc, bến phà Cát Lái phải ngưng hoạt động...

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG