Chiến sĩ “cử nhân” ở Đá Tây
Gặp đoàn khách từ đất liền ra đảo, Võ Văn Công vừa chạy đôn chạy đáo phục vụ công tác cho đoàn vừa phải lo công việc chuyên môn trên đảo. Sinh năm 1992, Công theo học ngành Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Vừa tốt nghiệp, chàng trai quê Nghệ An viết đơn tình nguyện vào hải quân và xin ra Trường Sa. “Hai anh họ mình cũng tình nguyện đi lính, hiện đang đóng quân ở Khánh Hòa. Mình thấy sau thời gian quân ngũ, hai anh trưởng thành hơn nên cũng muốn được như thế”, Công nói. Chia sẻ thêm về lý do ra Trường Sa, Công bảo, sau đợt Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chủ quyền và thềm lục địa Việt Nam, Công muốn thực hiện nghĩa vụ của một công dân để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Sinh ra trong gia đình không có truyền thống quân đội nhưng Công có ước mơ làm bộ đội từ nhỏ. “Khi biết mình xin đi bộ đội, bố mẹ rất bất ngờ, nhưng mình thuyết phục nhiều bố mẹ cũng hiểu”, Công nói và giải thích vừa ra trường, nếu xin việc và để ổn định cũng phải mất một vài năm. Trong thời gian đó, môi trường quân đội rất tốt, có kỷ luật nghiêm minh sẽ giúp đủ sức khỏe, trưởng thành và bản lĩnh hơn.
Đã hơn 6 tháng làm nhiệm vụ tại đảo Đá Tây A, Công vẫn nhớ ngày đầu tiên trên hành trình ra Trường Sa. “Mình thấy Trường Sa đẹp, rộng hơn so với suy nghĩ ban đầu nhất là lúc bình minh và hoàng hôn”, Công nói. Lúc nhận nhiệm vụ tại đảo chìm, Công lo thiếu điện, nước ngọt, rau xanh nhưng rồi mọi thứ trái ngược hẳn với suy nghĩ. Học ở Hà Nội, nơi phồn hoa đô hội, rồi ra đảo chìm Đá Tây A ở Trường Sa, chàng trai trẻ nhớ bố mẹ, gia đình, bạn bè chung trường, chung lớp.
Tình nguyện đi lính cũng là lúc Công chấp nhận những “mất mát”. Người yêu gắn bó suốt nhiều năm học ĐH chia tay vì không chịu được khoảng cách, nhưng Công bảo, không bao giờ hối hận quyết định ra Trường Sa. “Ở đây mình hỗ trợ công văn, giấy tờ cho chỉ huy đảo, đồng thời phụ trách một số nhiệm vụ khác. Mình thấy ra Trường Sa là quyết định sáng suốt và đúng đắn. Ước mơ trở thành hiện thực, mình cũng trưởng thành, chín chắn hơn nhiều và thấy tự hào khi được đóng quân, bảo vệ quần đảo Trường Sa”, Công chia sẻ.
Dừng học đại học GTVT ra Trường Sa
Trên chuyến tàu 561 trở về đất liền sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, Nguyễn Đức Tâm (SN 1994) vẫn không nguôi nhớ về đồng đội, nhớ cái nắng, cái gió ở Trường Sa. Tâm cũng là một trường hợp “đặc biệt” ở Trường Sa. Tháng 1/2015, khi đang là sinh viên năm 2 Đại học GTVT TPHCM, Tâm viết đơn xin bảo lưu kết quả học rồi tình nguyện gia nhập quân đội. “Mình muốn ra Trường Sa để góp sức bảo vệ Tổ quốc sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời cũng là cơ hội để rèn luyện bản thân”, Tâm nói.
Là sinh viên, lại quen với cuộc sống thành thị, vào quân đội, Tâm bảo phải tuân thủ kỷ luật nghiêm minh, đặc biệt là giờ giấc huấn luyện. Tâm kể bố trước từng công tác ở đảo Song Tử Tây nên cũng được nghe nhiều chuyện về đời quân ngũ và không bất ngờ trước những thay đổi khi vào lính. Và cũng vì thế, dù là con một, bố Tâm ủng hộ con trai dừng học để đi lính, đồng thời động viên cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ra đây, chàng lính bộ binh xe tăng vẫn nhớ những ngày tháng rong chơi, nhớ bạn bè, trường lớp, nhớ cả những trận bóng đá sau buổi lên giảng đường. “Ở Trường Sa cũng có thể chơi bóng đá như bình thường nhưng mà là sau giờ huấn luyện, tăng gia sản xuất”, Tâm nói.
Trở về sau 18 tháng rời xa thầy cô, bạn bè, giảng đường, Tâm bảo sẽ tiếp tục theo học ngành Cầu đường ở ĐH GTVT TPHCM dù chậm hơn bạn bè cùng trang lứa hơn một năm. “Sau đời sống quân ngũ, mình đã chín chắn hơn, biết tự chủ, tác phong chững chạc, nhanh nhẹn và không ngại khó, ngại khổ. Bây giờ đi học tiếp, mình không thấy thiệt thòi gì so với bạn bè cùng trang lứa”, Tâm chia sẻ.
Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cho biết, hiện, chúng ta đang gọi nhập ngũ thanh niên đến độ tuổi 28. Những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ dân sự theo luật vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm. Với lực lượng này, nếu thấy ngành nghề của mình phù hợp trong quân đội, có thể tình nguyện xin vào quân đội. Ngay cả với lực lượng trong quân đội, có những trường hợp chúng tôi phải gửi ra ngoài đi học. Hiện, có nhiều trường hợp quân nhân đã tốt nghiệp ĐH, tình nguyện đi cũng có, được gọi nghĩa vụ cũng có. Đây là nguồn lực rất quý cho quân đội nói chung và hải quân Việt Nam, đặc biệt là Trường Sa nói riêng.