Hai người lính bước ra sân khấu. Quên cả chào những quan khách, họ lao đến ôm chầm lấy nhau. Hai người lính đã kinh qua những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã khóc cho ngày trùng phùng mà họ ngỡ như không bao giờ có thể xảy ra ở nơi được mệnh danh là “cối xay thịt người” này. Giọt nước mắt của hai người lính già mang đầy thương tích chiến tranh đã làm mềm lòng bất kỳ con người sắt đá nào. Giọt nước mắt trùng phùng sau gần nửa thế kỷ thôi thúc tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Quang (SN 1947, trú xóm 8, xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) – người lính có mặt trong bức ảnh “Xung phong”.
Bức thư của người đồng đội
Ông đón tôi bằng bước chân run run, khuôn mặt gầy gò với một con mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Những trận đánh khốc liệt trong chiến tranh và vất vả đời thường khi trở về đã quật ngã chàng thanh niên năm xưa. Ông đưa cho tôi xem bức thư mới nhận đầu tháng 7/2015. Bức thư đề tên: Đỗ Đức Thắng (xã Sen Chiểu, Phúc Thọ, Hà Nội). Ông Quang nghẹn lại, đó là tên người đồng chí, người chỉ huy thông tin đã sát cánh bên ông trong 4 năm trời quần nhau với địch ở chiến trường Quảng Trị ngót nửa thế kỷ trước.
Bức thư ngắn, có lẽ cũng được viết trong tâm trạng cực kỳ xúc động của người lính khi hay tin về người đồng đội cùng chiến hào năm xưa.“Quang ơi! Sau ngày giải phóng miền Nam anh em mình mỗi người một quê. Thời gian đã hơn bốn chục năm rồi, chưa ngày gặp lại. Mình mong có ngày gặp lại, cùng nhớ lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và hỏi nhau cuộc sống ra sao. Nhiều điều mong ước lắm, có lẽ anh em mình đều nghĩ tới một điều: chiến đấu ác liệt, nay mình còn sống, có 1 gia đình hạnh phúc, thế là sướng lắm rồi. Mình hẹn những ngày tới sẽ vào thăm cậu, thăm quê hương Quỳnh Đôi, Quang nhé!”, vợ ông Quang đọc cho chồng nghe.
Bức thư ông Đỗ Đức Thắng gửi ông Quang sau hơn 40 năm xa cách.
Bức thư chỉ vẻn vẹn từng đó chữ thôi mà ông cứ ngỡ như cả năm tháng tuổi trẻ của mình, của những đồng đội ngày xưa ấy ùa về. Những năm tháng phơi phới tuổi xuân đi đánh Mỹ với lý tưởng duy nhất là giải phóng quê hương.
Phơi phới tuổi xuân đi cứu nước
20 tuổi, người thanh niên làng Quỳnh nhập vào đoàn quân Nam tiến và được phiên chế vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 với vai trò chiến sỹ thông tin liên lạc, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Đầu năm 1970, một nửa tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng, một nửa vẫn nằm trong tay địch. Cuộc chiến đấu giành dân, giành đất giữa hai bên diễn ra vô cùng ác liệt. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, gan dạ, các đơn vị của ta nhiều lần đánh lui các cuộc tấn công của địch. Tháng 4/1970, đơn vị của ông Quang được lệnh vận động tiến công Đồi Đá, gần Cao điểm 544 (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).
Người lính thông tin Hồ Văn Quang (bên trái) và đài phó Đỗ Đức Thắng trong bức ảnh "Xung phong" của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính (ảnh chụp lại).
Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt. Địch sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân cùng một lực lượng lớn quân hòng giữ Đồi Đá. Phía bên này, những người lính giải phóng luôn trong tư thế sẵn sàng lao lên phía trước. Đài phó Đỗ Đức Thắng và chiến sỹ thông tin Hồ Văn Quang căng mình để quan sát địch, truyền thông tin về hầm chỉ huy. Giữa mịt mù khói lửa và nồng nặc mùi bom đạn, không ai nghĩ mình đã lọt vào ống kính của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.
Trong ảnh, hai người lính thông tin dường như đang cố gắng thu vào tầm mắt những diễn biến của địch. Phía sau họ, những người lính bộ binh cầm chắc súng, lao lên phía địch. Bức ảnh như một lời khẳng định đanh thép, một tượng đài bất diệt của tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ấy được phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đặt tên “Xung phong”.
Sự khốc liệt của chiến tranh, người chụp ảnh không nghĩ mình có thể gặp lại những người lính trong bức ảnh của mình. Thậm chí, ngay cả Đỗ Đức Thắng lẫn Hồ Văn Quang đều không biết đến bức ảnh, không nghĩ rằng chính bức ảnh này sẽ là cầu nối giúp họ tìm thấy nhau sau hơn 40 năm xa cách.
Sau 8 năm 6 tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Hồ Văn Quang phục viên với nhiều vết thương trên cơ thể. Bươn chải để nuôi 4 đứa con trai khôn lớn nhưng trong những giấc ngủ mê mệt, ký ức một thời hoa lửa vẫn ùa về. Ông chới với, ú ới với tiếng thét xung phong, với đạn bom, với nước mắt, với chia ly và hi sinh của đồng đội.
“Ký ức chiến tranh chưa bao giờ phai mờ trong tôi cũng như hình ảnh của những người đồng đội. Bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với đời thường, thương lắm, nhớ lắm nhưng biết tìm nhau ở đâu, ai còn, ai mất… Cho đến khi tôi nhận được lá thư của anh Thắng…”, ông Quang xúc động nói.
Cuộc trùng phùng sau hơn 40 năm
Bức ảnh “Xung phong” cùng nhiều bức ảnh khác được chụp tại các chiến trường của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính được triển lãm nhiều nơi. Một lần tình cờ, người xem nhận ra người đài phó trong bức ảnh. Từ đây, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính tìm được ông Đỗ Đức Thắng.
Ông Hồ Văn Quang và vợ xem lại bức ảnh "Xung phong".
Rồi các manh mối dần xuất hiện, ông Tính nhận được thông tin Hồ Văn Quang – người lính liên lạc trong ảnh hiện đang sống tại quê nhà, xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cả hai người lính trong bức ảnh hiện vẫn còn sống và tha thiết mong được gặp nhau sau hơn 40 năm xa cách. Và ước nguyện của họ đã được thực hiện thông qua chương trình “Hùng thiêng đất mẹ” diễn ra vào tối ngày 18/7 vừa qua ngay tại Quảng Trị - nơi họ đã sát cánh chiến đấu bên nhau.
Hai người lính già quên cả tuổi tác, quên những vết thương, quên đôi chân không còn đứng vững lao đến ôm chặt lấy nhau. Họ khóc vì cuộc trùng phùng đã phải chờ đợi gần nửa thế kỷ. Khóc vì cuộc hội ngộ sau chiến tranh thiếu quá nhiều người…
Trong cuộc hội ngộ lịch sử này, bức ảnh “Xung phong” được nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính tặng lại cho hai người lính năm xưa. Bức ảnh phóng to, lồng khung kính được ông Quang treo trang trọng trong nhà. Thỉnh thoảng, ông lại mang ra, con mắt còn lại ngó trân trân vào bức ảnh như thể tìm kiếm những người đồng đội chưa về…