Tổng thống Mỹ tự tin đủ sức gây áp lực cho Iran dù không có EU

Tổng thống Mỹ tự tin đủ sức gây áp lực cho Iran dù không có EU
TPO - Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) sẽ ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran nếu ông kiên định. Tuy nhiên, ông không e ngại việc Đức và Pháp tiếp tục hợp tác với Tehran vì Washington đủ khả năng gây áp lực quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ tự tin đủ sức gây áp lực cho Iran dù không có EU ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, khi được hỏi liệu châu Âu có ủng hộ chiến lược mới của ông với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra rất tự tin về “mối quan hệ nồng nhiệt” với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Ông còn gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là “những người bạn tuyệt vời nhất”.

“Tôi đã nói với họ (EU): Chỉ việc kiếm tiền. Đừng lo lắng gì về vấn đề đó. Chúng tôi không cần các vị tham gia vào việc này”, chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh.

Theo Tổng thống Trump, châu Âu tỏ ra do dự trong việc chống lại Iran chỉ thuần túy vì lý do kinh tế, bởi Đức và Pháp thu “hàng tỷ USD” mỗi năm từ việc xuất khẩu hàng hóa sang Iran.

Tuy vậy, lãnh đạo nước Mỹ kết luận, EU sẽ ủng hộ các quyết sách của ông liên quan đến Iran.

Thời gian qua, Tổng thống Donald Trump gây ra tranh cãi lớn khi cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), ký kết vào năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) dưới thời Barack Obama.

Ông còn đặt ra thời hạn 60 ngày để Quốc hội quyết định Mỹ có nên đưa các biện pháp trừng phạt chống Tehran, đồng thời cảnh báo chấm dứt thỏa thuận nếu “chúng ta không thể đạt được giải pháp hợp tác giữa Quốc hội và các đồng minh”.

Chính sách mới của Mỹ đối với Iran nhận được sự ủng hộ từ Ả Rập Saudi và Israel, nhưng lại bị các bên ký hiệp ước lên án, kể cả các nước châu Âu.

Chủ tịch Federica Mogherini của EU khẳng định, thỏa thuận hạt nhân Iran không phải là "thỏa thuận song phương" và không thể bị chấm dứt bởi bất kỳ một quốc gia nào.

Anh, Pháp và Đức cũng ban hành tuyên bố chung, nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân nằm trong "lợi ích an ninh quốc gia chung", cũng như xác nhận, họ tôn trọng thành quả đàm phán và mọi thay đổi đều phải được quyết định bởi tất cả các bên.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG