Tổng thống Macron chật vật xoay xở sau ván cược phản tác dụng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phe trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và liên minh cánh tả đang cố gắng ngăn chặn phe cực hữu giành được đa số tuyệt đối và kiểm soát chính phủ Pháp, sau khi canh bạc của nhà lãnh đạo Pháp trở nên phản tác dụng.
Tổng thống Macron chật vật xoay xở sau ván cược phản tác dụng ảnh 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: REA)

Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen giành chiến thắng vang dội trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 30/6, còn phe trung dung của Tổng thống Macron đứng ở vị trí thứ ba sau Mặt trận Bình dân mới.

Bà Le Pen kêu gọi cử tri ủng hộ để RN có thể giành đa số tuyệt đối trong vòng bầu cử thứ hai vào ngày 7/7, nhằm đưa nhà lãnh đạo 28 tuổi Jordan Bardella trở thành thủ tướng.

Hầu hết các dự đoán cho thấy RN sẽ không đạt được đa số tuyệt đối, dù kết quả cuối cùng vẫn chưa chắc chắn.

“Cực hữu ở ngưỡng cửa quyền lực” là tiêu đề bài viết trên nhật báo Le Monde sau cuộc bầu cử vòng một.

Phe của Tổng thống Macron đã bắt đầu hợp tác với liên minh cánh tả nhằm cố gắng ngăn cản RN giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối, điều mà Thủ tướng Gabriel Attal cho rằng sẽ trở thành "thảm họa".

Các ứng cử viên hạng ba đủ điều kiện vào vòng hai được kêu gọi từ bỏ để hình thành một mặt trận thống nhất chống lại phe cực hữu.

Trong tuyên bố bằng văn bản đưa ra tối 30/6, Tổng thống Macron kêu gọi hình thành một liên minh dân chủ rộng rãi để chống lại phe cực hữu, đồng thời triệu tập cuộc họp nội các trong ngày 1/7 để quyết định hướng hành động tiếp theo.

“Đừng nhầm lẫn. Đây là việc phe cực hữu đang trên đường tới vị trí cao nhất, không ai khác”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết ông không đưa ra bất kỳ hướng dẫn chắc chắn nào cho các ứng cử viên về việc từ chức.

Hạn chót để quyết định có từ chức hay không là tối 2/7. Theo một số ước tính, hơn 150 ứng cử viên cánh tả hoặc trung dung đã bỏ cuộc.

Giới phân tích cho rằng kịch bản dễ xảy ra là quốc hội treo, điều có thể dẫn tới tình trạng hỗn loạn và tê liệt chính trị Pháp trong nhiều tháng tới, trong bối cảnh Paris đang chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè.

RN giành được 33% phiếu bầu trong vòng bầu cử đầu tiên, còn liên minh Mặt trận Bình dân mới được 28% và phe trung dung của Tổng thống Macron được hơn 20%.

Với tổng số 76 ứng cử viên được bầu ở vòng một, thành phần cuối cùng của Quốc hội gồm 577 ghế sẽ chỉ được xác định rõ ràng sau vòng hai.

Vòng thứ hai sẽ là cuộc đối đầu song mã hoặc tam mã để xác định số ghế còn lại.

Kịch bản RN mang chủ trương chống nhập cư bước vào chính phủ sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Pháp, khi lần đầu tiên một lực lượng cực hữu lên nắm quyền ở nước này kể từ Thế chiến thứ hai.

Nếu RN giành đa số tuyệt đối và ông Bardella, một người còn rất trẻ tuổi và không có kinh nghiệm điều hành, trở thành thủ tướng, điều đó sẽ dẫn đến giai đoạn "chung sống" căng thẳng với Tổng thống Macron, người sẽ tiếp tục vị trí này cho đến năm 2027.

Kết quả bầu cử khiến ông Macron vấp phải nhiều chỉ trích. Ông kêu gọi bầu cử sớm chỉ sau cuộc họp với nhóm cố vấn vài giờ sau khi đảng của ông bị RN đánh bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tháng 6.

Báo Le Figaro viết trong một bài xã luận rằng nước Pháp đang đối mặt với "thảm kịch" khi chỉ có những "giải pháp tồi tệ" được đưa ra.

Tình trạng rối loạn nội bộ có thể làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Tổng thống Macron, khi ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington ngay sau khi vòng hai diễn ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel khẳng định Washington ​​sẽ tiếp tục "hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Pháp" bất kể kết quả bầu cử như thế nào.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng thành công của phe cực hữu là điều gây lo ngại. Bà mô tả RN là đảng “coi châu Âu là vấn đề chứ không phải giải pháp".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng kết quả này thể hiện một bước ngoặt "rất nguy hiểm" đối với Pháp và châu Âu.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi kết quả bầu cử ở Pháp “rất chặt chẽ”.

Theo CNN
MỚI - NÓNG