Chưa bao giờ có một người đứng đầu Nhà Trắng, vị tổng tư lệnh của lực lượng hùng mạnh nhất trong liên minh quân sự Đại Tây Dương, từng nói rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là thứ “lỗi thời”.
Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump không phải người đi sâu vào tính chính thống của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây dương. Giờ đây Tổng thống Mỹ đã đảo ngược quan điểm của chính ông về tính “lỗi thời” của NATO, nhưng ông có xu hướng nhìn mọi thứ từ góc độ giao dịch và rõ ràng là ông có vẻ vẫn băn khoăn liệu Mỹ có thể đạt được thỏa thuận tốt từ các đối tác NATO hay không.
Thực tế là các quan chức NATO đang giảm bớt ý nghĩa của cuộc gặp lần này bằng cách tránh sử dụng cụm từ “cuộc gặp thượng đỉnh”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang muốn một cuộc gặp thượng đỉnh đúng nghĩa vào năm 2018.
Cuộc gặp tại Brussels lần này chỉ diễn ra ngắn gọn. Hai tấm bia kỷ niệm sẽ được khánh thành và một dải băng sẽ được cắt để khai trương trụ sở mới của NATO.
“Tất cả đều diễn ra nhẹ nhàng. Tất cả đều chỉ để tạo bầu không khí, hy vọng chúng tôi sẽ thấy một vài dòng tweet tốt từ Tổng thống”, BBC dẫn bình luận của một quan chức NATO.
Trong khi quan điểm của Tổng thống Trump về NATO chưa có gì chắc chắn, liên minh Đại Tây Dương được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển vì một số lý do: Nếu sứ mệnh hỗ trợ và cố vấn cho Afghanistan tiếp tục, NATO vẫn giữ vai trò ổn định tình hình và chống khủng bố; NATO đã cử một số đơn vị quân đội nhỏ đến Đông Âu để bảo đảm với các đồng minh ở Baltic và Ba Lan trước nỗi sợ Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea; theo kết quả thăm dò ý kiến ở các nước Đại Tây Dương, nhiều người có quan điểm tích cực về vai trò của NATO...
Có những tranh luận về nguồn lực và những sứ mệnh mà NATO nên đảm đương trong tương lai, có những vết rạn nứt giữa các thành viên; những câu hỏi căn bản rằng liệu những thách thức an ninh mới nổi có thực sự trở thành trọng tâm hoạt động của NATO.
Vấn đề nguồn lực đang gây nhiều chú ý, nhất là vì ông Trump cho rằng các đồng minh của Washington nên chi trả nhiều hơn. Liên minh này đã tự ràng buộc với nhau về mục tiêu 2% GDP của mỗi nước phải dành cho chi tiêu quốc phòng. Một số nước đã đạt đến mức này, một số khác đang trên đường, còn một số nữa đã chi tiêu vượt mức đó.
Nhưng vẫn có những hoài nghi lớn rằng điều này có thực sự tạo thêm sức mạnh quân sự vào thời đại mà công nghệ đang thay đổi chóng mặt và sự cần thiết phải triển khai lực lượng nhanh chóng.
Washington muốn Nato tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ chống khủng bố và chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
NATO làm nhiều việc với các đối tác để xây dựng năng lực quân sự và đổi mới cấu trúc an ninh. Họ đang giúp huấn luyện lực lượng ở Iraq, Jordan và những nơi khác.
Nhưng người Mỹ muốn NATO tham gia vào liên minh chống IS với tư cách cả khối. Kế hoạch này có khả năng sẽ được triển khai khi các máy bay tiếp dầu, hệ thống kiểm soát và cảnh báo tiên tiến của NATO đang ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong các chiến dịch trên không.
Tuy nhiên, vẫn có nỗi sợ rằng các đồng minh của NATO có thể bị lôi kéo sâu vào những vũng lầy, giống như cách họ mắc kẹt ở Afghanistan.