Tổng thống Donald Trump dùng ‘đặc quyền’ để chặn lời khai của ông Comey?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Giám đốc FBI James Comey.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu Giám đốc FBI James Comey.
TPO - Cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), ông James Comey, sẽ làm chứng trước ủy ban quốc hội vào ngày 8/6 tới trong vụ điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016. Theo các chuyên gia pháp lý, Tổng thống Donald Trump có đặc quyền để ngăn chặn ông Comey cung cấp lời khai.

Theo Reuters, ông Comey có kế hoạch sẽ xác nhận trước Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ông bỏ qua cuộc điều tra về cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Michael Flynn, với Nga, trước khi ông Comey bị chủ nhân Nhà Trắng sa thải khỏi chức Giám đốc FBI hôm 9/5 vừa qua.

Reuters dẫn lời các chuyên gia pháp lý cho biết, Tổng thống Mỹ có thể viện đến một học thuyết, được gọi là đặc quyền hành pháp, để ngăn chặn ông Comey ra làm chứng.

Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ gây ra phản ứng dữ dội và có thể gặp rắc rối tại tòa án, các chuyên gia nói.

Đặc quyền hành pháp là gì?

Đó là một học thuyết pháp lý cho phép Tổng thống Mỹ giữ bí mật thông tin từ các cơ quan khác của chính phủ.

Năm 1974, Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết, đặc quyền hành pháp chỉ có thể được sử dụng trong những trường hợp hạn chế, chẳng hạn như bảo vệ an ninh quốc gia hoặc giữ bí mật thông tin liên lạc nhạy cảm trong cơ quan hành pháp.

Mark Rozell, giáo sư của Đại học George Mason, cho biết, thuật ngữ này không được đặt ra cho đến những năm 1950, nhưng hầu hết các đời Tổng thống Mỹ từng viện dẫn một số phiên bản của nó.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng sử dụng đặc quyền này vào năm 2012 để ngăn chặn Nghị viên xem các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra “Fast and Furious”, vụ buôn lậu súng không thành công của Cục Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ.

Tổng thống Trump có thể ngăn cản lời khai của ông Comey?

Các chuyên gia pháp lý nhận định, lãnh đạo nước Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có nếu dùng đặc quyền hành pháp để ngăn cản ông Comey làm chứng trước Ủy ban Quốc hội.

“Ông Trump có khả năng sẽ lập luận rằng, lời khai của ông Comey liên quan đến các cuộc đối thoại mật hoặc những vấn đề về an ninh quốc gia. Tuy nhiên cái cớ này không mấy thuyết phục, vì trên thực tế, ngài Tổng thống đã công khai cuộc thảo luận và đăng lên Twitter về nội dung cuộc trò chuyện giữa ông và ông Comey”, giáo sư Rozell nói.

Ngoài ra, ông Trump sẽ gặp phải các trở ngại khác nếu sử dụng đặc quyền trong vụ ông Comey. Theo một số luật sư, Tổng thống Mỹ đã gây áp lực với cựu Giám đốc FBI về vụ ông Flynn, như vậy, ông Trump có thể liên quan tới cáo buộc cản trở công lý.

Andrew Wright, giáo sư tại Trường Luật Savannah, nhận định: “Đặc quyền hành pháp không thể được sử dụng để phủ nhận hành vi sai trái của chính phủ”.

Chưa kể, theo ông Rozell, đặc quyền hành pháp là để ngăn chặn nhân viên chính phủ giải phóng thông tin, tuy nhiên, ông Comey đã bị sa thải khỏi chức vụ Giám đốc FBI và trở thành công dân bình thường. Do đó, không có bất kỳ hình thức xử phạt hợp pháp nào trong trường hợp ông Comey không chịu tuân thủ.

Hơn tất cả, nếu sử dụng đặc quyền hành pháp, ông Trump phải đối mặt với làn sóng phản đối, chỉ trích dữ dội của công chúng. “Đó là nhược điểm lớn nhất của đặc quyền hành pháp. Nó khiến bạn giống như đang cố che giấu thứ gì đó”, ông Rozell nói.

Nhà Trắng nói gì?

Trước thông tin Tổng thống Donald Trump có thể dùng đặc quyền hành pháp để ngăn cản cựu Giám đốc FBI James Comey cung cấp lời khai trước Quốc hội vào tuần tới, các quan chức Nhà Trắng cho hay, họ “không biết” về ý định của ông Trump.

Tuy nhiên, không ít người tin rằng, ông Trump sẽ làm điều đó. Các chính trị gia đảng Dân chủ thậm chí đã gửi một bức thư cho Cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn để cảnh báo, việc sử dụng đặc quyền hành pháp sẽ được xem như “nỗ lực để cản trở sự thật trước Quốc hội và người Mỹ”.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG