Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng
TPO - Trung ương Đoàn sẽ xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực; quy chuẩn về đạo đức, lối sống đối với hệ thống trò chơi trực tuyến; thành lập tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Ngày 4/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030” của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Thái An - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn chủ trì hội thảo.

Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng ảnh 1

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, an ninh - an toàn không gian mạng, chính trị, tư tưởng của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

Làm cẩm nang cho thanh thiếu nhi dùng mạng xã hội

Ban tổ chức cho biết dự thảo Đề án xác lập mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu 100% cán bộ đoàn, đoàn viên và 80% thanh thiếu niên được tuyên truyền về Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Đề án được T.Ư Đoàn triển khai trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Sau hội thảo xin ý kiến chuyên gia, T.Ư Đoàn sẽ xin ý kiến các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan.

Ít nhất 80% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

100% Đoàn cấp huyện thiết lập đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội...

Giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng. 90% hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, Đội được tổ chức hoặc tương tác trên không gian mạng...

Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng ảnh 2

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo - giảng viên cao cấp, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tình với tính cấp thiết của Đề án đối với những vấn đề, ảnh hưởng diễn ra trên không gian mạng. Sản phẩm giáo dục, truyền thông cần sinh động, đa phương tiện, gần gũi với thanh thiếu nhi. Ảnh: Xuân Tùng.

Dự thảo Đề án đề ra bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Trong đó, kiểm soát, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu nhi; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng.

Xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng ảnh 3

TS Bùi Thế Đức - Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư góp ý Đề án cần có các giải pháp phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên; cần có sự tham gia tuyên truyền của hệ thống báo chí. Ảnh: Xuân Tùng.

Theo kế hoạch sẽ có nhiều sản phẩm cụ thể sau khi thực hiện Đề án như: Cẩm nang hướng dẫn thanh thiếu nhi sử dụng mạng xã hội an toàn, tích cực được xây dựng; các sản phẩm văn hoá giải trí được sản xuất và phát hành trên không gian mạng; Bảo tàng trực tuyến “Tự hào tuổi trẻ Việt Nam” được triển khai.

Xây dựng quy chuẩn về đạo đức, lối sống đối với hệ thống trò chơi trực tuyến; sản xuất và phát hành các trò chơi trực tuyến về lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thành lập và tổ chức hoạt động bộ phận “Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng” ở cấp T.Ư và cấp tỉnh.

Các đợt học tập, rèn luyện kết hợp chiến dịch truyền thông được triển khai với các sản phẩm truyền thông, chương trình, hoạt động mang “xu hướng trẻ” được hình thành và lan toả trên không gian mạng…

Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng ảnh 4

Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình, đánh giá cao tính cấp thiết của Đề án. Ảnh: Xuân Tùng

Hội thảo đã có nhiều ý kiến góp ý, định hướng từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, an ninh an toàn không gian mạng, chính trị, tư tưởng của các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

Đơn giản, hiệu quả, linh hoạt

Phát biểu tại hội thảo, anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn tiếp thu các ý kiến và đồng tình cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo đã giúp máy móc hiểu con người nhiều hơn, không chỉ giới thiệu mà còn mang tính định hướng, chi phối người dùng.

Anh Lâm bày tỏ, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa là việc khó, lại càng khó hơn khi diễn ra trên không gian mạng. Do đó, Đề án đòi hỏi đội ngũ tham gia xây dựng và thực hiện có trình độ; có giải pháp đồng bộ, nhất là có tính linh hoạt để đáp ứng với sự biến động, thay đổi nhanh của khoa học công nghệ.

Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng ảnh 5

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Tùng

"Nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đoàn. Công tác giáo dục thông qua các phong trào cách mạng, các chương trình đồng hành với thanh niên. Qua Đề án này, T.Ư Đoàn mong muốn triển khai các hoạt động đó theo phương thức khác, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin đưa lên không gian mạng - nơi các bạn trẻ tương tác, sử dụng phổ biến", anh Lâm nói.

Anh Lâm thống nhất, nội dung Đề án cần cung cấp đơn giản, hiệu quả. Giải pháp thực hiện cần cụ thể, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với đối tượng thanh thiếu nhi, nhưng cũng phải linh hoạt trước sự phát triển của khoa học công nghệ... Trong quá trình triển khai cần định kỳ khảo sát, đánh giá tình hình sử dụng internet của thanh niên, trào lưu tác động đến giới trẻ.

MỚI - NÓNG