Chuyện kể từ khu vực phong tỏa 56.000 dân ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Người dân khu phong tỏa khi có chuyện khẩn cấp sẽ được xem xét cấp giấy ra khỏi chốt chặn Ảnh: U.P
Người dân khu phong tỏa khi có chuyện khẩn cấp sẽ được xem xét cấp giấy ra khỏi chốt chặn Ảnh: U.P
TP - Khi biết nhà mình nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM, tôi tranh thủ đến siêu thị gần nhà mua thùng sữa cho con, ít rau xanh, thịt cá…

Chiều 19/6, TPHCM quyết định phong tỏa 6 khu vực gồm khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 (xã Tân Hiệp), huyện Hóc Môn. Nhà tôi ở khu phố 3, vậy là xác định sống chung với phong tỏa “nội bất xuất ngoại bất nhập” 14 ngày.

Vùng được phong tỏa có tổng diện tích 317 ha, với gần 56.000 người và 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nhà cách ly với nhà, tầng cách ly tầng, không ai đến nhà ai, không cho ai vào nhà mình... là một trong những nội dung cơ quan chức năng đề nghị người dân khu phong tỏa thực hiện.

Cứ nghĩ rằng nhiều người sẽ “tháo chạy” trước giờ G, nhưng không, đa số người dân trong khu vực phong tỏa đồng lòng ở lại phòng chống dịch. “Mình là người trong điểm nóng dịch, nếu mình có virus mà chạy đến vùng khác, lỡ lây lan dịch thì biết làm thế nào”, bà Oanh (43 tuổi, ngụ chung cư Lê Thành, quận Bình Tân) tâm sự.

Tính đến nay đã 3 ngày sống chung với phong tỏa, người dân dần quen. Mỗi sáng không còn tiếng nhạc tập thể dục quen thuộc của các bà, các cô ở khu chung cư Lê Thành. Thay vào đó, nhóm Zalo dân chung cư lại nhộn nhịp hơn. Ai thiếu thực phẩm, cần thuốc men “ới” trên nhóm một câu, liền được các hộ gia đình khác tiếp tế ngay lập tức.

Siêu thị trong khu phong tỏa vẫn đầy ắp hàng hóa, giá cả ổn định, nhiều mặt hàng giảm giá. Tại siêu thị Coop Food đường số 1 An Dương Vương (khu phố 3, P.An Lạc, Q.Bình Tân), nhân viên siêu thị chỉ cho mỗi lượt 2 người vào mua sắm.

Tôi đi bộ trong khu phong tỏa đến cuối con hẻm dẫn ra Miếu Bà đường An Dương Vương, nơi có nhiều phòng trọ của công nhân, người lao động tự do. Chị Bình (bán hàng rong) lo lắng nói: “Tối đó khi vừa xong hàng, về tới nhà mới hay tin đêm nay khu vực mình ở sẽ phong tỏa. Chỉ kịp đón 2 con về và chưa mua sắm thức ăn gì. Giờ cách ly rồi, không buôn bán được, lấy tiền đâu trả nhà trọ, mua thức ăn trong những ngày sắp tới”.

Chăm lo người yếu thế

Điều làm người dân vùng phong tỏa ấm lòng là cơ quan chức năng gửi quà chăm lo những người gặp khó khăn. Ngày 21/6, quận Bình Tân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 6.624 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người bán vé số và công nhân lao động trong vùng phong tỏa. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thanh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân, cho biết, quận đã chuyển nhu yếu phẩm vào hỗ trợ bà con, anh chị em công nhân ở khu phố 2, 3 và 4 (phường An Lạc) bị phong tỏa. Đây là những phần quà được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay với quận hỗ trợ bà con.

Hiện có hơn 12.000 người bị ảnh hưởng, đa số là lao động tự do như người bán hàng rong, bán vé số, hộ nghèo cận nghèo…, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết.

“Trong đợt dịch lần này, hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đã tập trung vận động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho các hộ dân trong khu vực cách ly, phong tỏa và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí là hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt là 518 triệu đồng, nhu yếu phẩm hơn 3,8 tỷ đồng (gồm gạo, mì, trứng, dầu ăn, sữa, rau củ quả...)”, bà Dung nói.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.