Theo phân tích, nếu áp dụng hình thức thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm. Lợi ích từ việc giảm thời gian tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm. Còn nếu tất cả các trạm thu phí ở nước ta áp dụng thu phí không dừng thì sẽ tiết kiệm cho xã hội và ngân sách khoảng 3.500 tỷ đồng/năm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thúc giục Bộ GTVT thực hiện thu phí không dừng toàn quốc từ 2019. Đây được coi là động thái quyết liệt trong việc siết lại tình trạng “chảy máu” thu ngân sách, minh bạch nguồn tiền của doanh nghiệp và sẽ góp phần giảm gánh nặng chịu phí BOT vô lý cho người tham gia giao thông. Giữa năm 2017, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu hơn 100 năm được coi là động thái mạnh tay đầy trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc “tát thẳng” vào những nhóm lợi ích muốn kéo dài thời gian thu phí để bóc lột người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT.
Về bản chất, việc chậm triển khai thu phí không dừng xuất phát từ việc chủ đầu tư các dự án e ngại việc sẽ phải minh bạch toàn bộ các khoản thu phí trên các tuyến đường BOT. Số tiền thu được hàng ngày, hàng giờ, hàng tháng khi thực hiện thu phí không dừng đồng bộ sẽ bị cả triệu cặp mắt trên cả nước soi, để ý đến nguồn thu thực của các ông trùm BOT. Những chuyện như quay vòng cuống vé, vé giả hay “đi đêm” trong các hợp đồng bán vé cho các hãng vận tải sẽ buộc phải chấm dứt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đến nay, cả nước chỉ có Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cung cấp dịch vụ thu phí không dừng chính là kẽ hở tạo nên sự độc quyền, lợi ích nhóm, thiếu sự cạnh tranh ngay trong việc cung cấp dịch vụ thu phí. Đích thân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, trong các cuộc họp, cũng thừa nhận phải có 2-3 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng tham gia để cạnh tranh và nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn. Việc thiếu chế tài trong việc xử phạt những phương tiện đi qua trạm BOT không dán hoặc không có tiền trong tài khoản thẻ Etag để thực hiện thu phí không dừng xét ở góc độ quản lý cũng là lỗi của Bộ GTVT. Ngoài ra, cũng cần làm rõ những vấn đề liên quan một thực tế là chủ xe phải nộp trước một khoản tiền vào tài khoản giao thông, mà tài khoản này chưa thể tích hợp với tài khoản ngân hàng.