Tối hậu thư tháng 3

0:00 / 0:00
0:00
TP - Còn vài ngày nữa hết tháng 3, liệu chỉ lệnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về ùn tắc đăng kiểm có được giải quyết? Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm có nỗ lực không? Rất nỗ lực và bằng chứng là ban hành quy định mới, nhưng chưa đủ.

Phải nói rằng, quy định mới rất tốt và đáng lẽ phải làm từ lâu. “Tối hậu thư tháng 3” của Phó Thủ tướng thật là cực chẳng đã.

Nhìn lại tháng 3 của 9 năm về trước, nhiều người chứng kiến sự việc mà không khỏi băn khoăn. Hồi đó, câu chuyện giãn chu kỳ đăng kiểm đã được đặt ra. Ủy ban An toàn Giao thông (UBATGT), Bộ GTVT có lúc phải ép tới mức tuyên bố nếu lãnh đạo Cục Đăng kiểm không quyết liệt sẽ bị thay thế. Phó Chủ tịch UBATGT Nguyễn Hoàng Hiệp (nay là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) khi đó nhấn mạnh, kéo dài chu kỳ đăng kiểm sẽ giảm tải cho cơ quan đăng kiểm và người dân không phải mất chi phí, thời gian đi kiểm định. Những câu chuyện tốn giấy mực gần đây, từ 3/2014 đã bàn kỹ và thấu đáo. Tất nhiên phía đăng kiểm cũng viện nhiều lý do nhưng cuối cùng vẫn giãn một chút chu kỳ dưới sức ép từ chính cơ quan quản lý và thực tiễn.

Từ áp lực cơ quan quản lý thời đó, Cục trưởng Đăng Kiểm Trần Kỳ Hình (vừa bị bắt) đã rầm rộ chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm và chống nhũng nhiễu tiêu cực. Phó Cục trưởng Đặng Việt Hà (sau khi lên Cục trưởng cũng vừa bị bắt) được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm. Cục trưởng Hình còn “phát động sâu rộng trong toàn ngành” không gây phiền hà, không tiêu cực. Mỗi lần cánh báo chí đến làm việc, ông Hình lại khoe có hệ thống máy quay giám sát các trung tâm đăng kiểm cả nước: Ngồi một chỗ phát hiện nhũng nhiễu. Vài năm sau, phong trào rơi vào im lặng. Thi thoảng báo chí gửi thông tin tiêu cực trong đăng kiểm, nhưng Cục trưởng Hình chỉ cười xuề xòa.

Mà tiêu cực đăng kiểm có cơ hội dưới nhiều hình thức: Đường sông, đường bộ, nhập xe và máy móc cũ, xe sang diện biếu tặng (xem loạt bài Tiền Phong điều tra), xe mới nhập theo lô… Chỉ riêng một chiếc xe siêu sang đã được độ chế về Việt Nam, giá có thể gấp đôi. Hải quan không có nghiệp vụ sẽ tham vấn phía đăng kiểm. Nếu đăng kiểm đánh giá xe bản gốc sẽ vô tình gây thất thu thuế một nửa. Nếu có cán bộ hai cơ quan này bắt tay, thiệt hại còn lớn hơn. Đấy là chưa nói đến có hay không đường dây đến tận các doanh nghiệp sở hữu số lượng lớn xe “hổ vồ”, xe khách, xe “vua”, xe hoán cải tùy tiện, thậm chí xe máy phân khối lớn hơn 50 phân khối (nhưng dán tem thấp hơn) phục vụ dán tem kiểm định…

Đất nước còn phải lo đủ việc, mỗi quản trị ngành đăng kiểm thôi cũng gây náo loạn, phải để Chính phủ bận tâm. Bàn đi, bàn lại một câu chuyện cũ (có hướng mở từ lâu) mà khó tháo gỡ như chỉ lệnh của cấp trên, Bộ GTVT cần tự vấn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.