Tôi dịch Kim Dung

Nhà văn Kim Dung
Nhà văn Kim Dung
TP - Dịch Kim Dung với tư cách một người đọc, tôi được biết về cái học của một tác giả võ hiệp hiện đại. Dịch Kim Dung với tư cách một người học, tôi được biết về cách nghĩ của một nhân vật văn hóa Trung Quốc. 

Tháng 6/1975 về tới Sài Gòn tôi mới biết Kim Dung qua các bản dịch trước 1975. Xem qua thấy một vài chỗ sơ suất của các dịch giả như Vương Xử Nhất, Đàm Xử Đoan, Hàng Long thập bát chưởng đem phiên thành Vương Xứ Nhất, Đàm Xứ Đoan, Giáng Long thập bát chưởng thì có chỗ bất phục nhưng may đã qua cái tuổi mê truyện võ hiệp cũng mau chóng quên đi.

Không ngờ đến 1998, 1999 Công ty Phương Nam đặt vấn đề dịch Kim Dung. Vì là người dịch Xạ điêu anh hùng truyện (XĐAHT) và Lộc Đỉnh ký (LĐK) nên ở đây tôi chỉ nói tới hai tác phẩm ấy.

Cần nói ngay là lúc đầu tôi từ chối vì đã có người dịch rồi, dịch lại rất dễ mang tiếng, khi đại diện của Phương Nam cho biết Kim Dung đã sửa chữa chỉnh lý rất nhiều và mang nguyên bản XĐAHT (Minh Hà xã xuất bản hữu hạn công ty, 1997) tới cho mượn, so lại với bản dịch in sách trước 1975 quả nhiên thấy rất nhiều điểm khác nên tôi mạnh dạn nhận dịch.

Khác với các bản dịch đã in ra sách vốn thoát thai từ các bản dịch feuilleton (đăng báo nhiều kỳ), viết câu ngắn (thường là câu đơn), câu đối thoại là xuống dòng, XĐAHT và LĐK trong hai bản in Hoa văn tôi dịch có những đoạn liên kết văn bản khá dài, có khi tới nửa trang. Trước đó cũng như nhiều người, tôi vẫn coi sách võ hiệp là sách giải trí kiểu bình dân (thông tục tiểu thuyết), còn kiểu tổ chức văn bản này thì rất khác, qua đó tôi nghĩ là hiểu thêm Kim Dung một chút. Ông đã phấn đấu để nâng tác phẩm của mình nói riêng và tiểu thuyết võ hiệp nói chung lên chỗ ngang hàng với tiểu thuyết thông thường bằng cách tổ chức lại văn bản, góp phần xóa bỏ tập quán hời hợt đọc truyện không đọc văn đối với truyện võ hiệp. Chính với lối tổ chức văn bản ấy, ông đã viết những câu phức nhìn vào hoa cả mắt nhưng vừa dịch vừa cười, như một ý nghĩ của Vi Tiểu Bảo về Hải Đại Phú trong LĐK, hồi 5 “… Mình phải thật cẩn thận, nếu y biết mình làm mù mắt y mà Vi Tiểu Bảo mình còn giữ được hai tròng mắt thì nhất định là ông trời không có mắt”.

Đọc Kim Dung, dễ nhận thấy tác phẩm của ông thường mang những khung cảnh lịch sử có thật như Xạ điêu anh hùng truyện lấy bối cảnh lịch sử thời Tống – Liêu, Lộc đỉnh ký lấy bối cảnh lịch sử thời Thanh… Những mâu thuẫn chính trị và xã hội trong tác phẩm của ông sau cùng cũng thường được quy về mẫu số chung chính, tà, thiện, ác. Đây là những yếu tố thi pháp cơ bản trong các tiểu thuyết võ hiệp cổ điển Trung Hoa loại Thất hiệp ngũ nghĩa, Càn Long du Giang Nam…, rất dễ rơi vào chỗ công thức khuôn sáo và vì vậy cũng khó hấp dẫn người đọc lâu dài. Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lôi cuốn người đọc phần nào là nhờ nội dung văn hóa phong phú và ngồn ngộn chi tiết về lý luận võ học, tam giáo cửu lưu, cầm kỳ thư họa, y bốc tinh tướng… hé mở cho nhiều người đọc hiện đại một cánh cửa của kho tàng văn hóa cổ Trung Hoa. Kim Dung rất có ý thức trong việc tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử, nên sáng tác của ông ít nhiều gắn liền với hoạt động nghiên cứu lịch sử – văn hóa truyền thống. Và nếu tiếp xúc với tác phẩm của Kim Dung qua nguyên bản Hoa văn, những dấu ấn của văn học truyền thống Trung Hoa thường bất ngờ phát lộ ở những câu, những đoạn thoát thai từ Liêu Trai chí dị, Hồng lâu mộng…  Như cái câu Hồng Thất công nói với Hoàng Dược Sư “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và lão khiếu hóa mà thôi” trong XĐAHT, hồi 40 chính là nhại lại câu của Tào Tháo nói với Lưu Bị trong Tam quốc diễn nghĩa.

Kim Dung không phải là nhà văn dễ dãi. Ông rất có ý thức giữ gìn sắc thái “cổ trang” vốn là một bộ phận làm nên không gian văn hóa của truyện võ hiệp. “Những điều tôi chú ý tránh né chỉ là một số từ quá hiện đại như Khảo sát, Động cơ, Vấn đề, Ảnh hưởng, Mục đích, Quảng phiếm (rộng rãi) vv…” (Lời cuối sách quyển XĐAHT). Một đoạn tự bạch khác có thể đưa tới một ý niệm về sự nỗ lực lao động trong hoạt động sáng tác của ông “Bộ Thư kiếm ân cừu lục viết sớm nhất năm 1955, bộ Việt nữ kiếm viết cuối cùng tháng 1/1970. Mười lăm bộ tiểu thuyết dài ngắn viết trong 15 năm. Công việc sửa chữa bắt đầu từ tháng 3/1970, đến giữa 1980 thì kết thúc, tất cả trong 10 năm”. Ở xứ mình trước nay phỏng được bao nhiêu nhà văn tâm huyết và tinh lực để hoàn thiện tác phẩm của mình một khi chúng đã nổi tiếng, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Kim Dung?

Kim Dung cũng từng thẳng thắn nhìn nhận sự khiếm khuyết trong thi pháp của dòng tiểu thuyết võ hiệp truyền thống. Theo ông, “nhân vật trong Xạ điêu anh hùng truyện có cá tính đơn giản, như Quách Tĩnh chất phác trung hậu, Hoàng Dung khôn ngoan quỷ quyệt, khiến người đọc dễ có ấn tượng sâu sắc. Đó là đặc trưng trong tiểu thuyết và sân khấu truyền thống Trung Quốc, nhưng không thể thiếu vắng tính phức tạp trong thế giới nội tâm của nhân vật”. Có thể hiểu đó là một sự phản tỉnh, và người ta đã thấy LĐK với nhân vật chính vừa không “võ” vừa ít “hiệp” Vi Tiểu Bảo, một nhân vật mà lai lịch và hành trạng, số phận và tính cách đã phá tung các khuôn mẫu cố hữu của tiểu thuyết võ hiệp thông thường. “LĐK khác hẳn với những tiểu thuyết võ hiệp trước đó của tôi, đó là cố ý. Một tác giả không nên lặp lại phong cách và hình thức của mình, phải cố gắng hết sức để làm mới mình vậy”.

Không ai nói Kim Dung là một nhà lý luận, nhưng thực tiễn sáng tác đã đưa ông tới một quan niệm chính xác đậm tính nhân văn về tiểu thuyết “… Nhân vật chính trong tiểu thuyết không nhất định phải là “người tốt”. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của tiểu thuyết là sáng tạo nhân vật, cá tính nhân vật đủ hạng. Tiểu thuyết phản ảnh xã hội, trong hiện thực xã hội không có con người hoàn mỹ tuyệt đối. Tiểu thuyết hoàn toàn không phải là sách giáo khoa đạo đức” (Lời cuối sách quyển LĐK).

Sau cùng, tôi hay nghĩ tới thái độ với dư luận của Kim Dung. Ông tự thấy trong 15 bộ tiểu thuyết của mình, LĐK là tác phẩm hay nhất, “Có điều rất nhiều độc giả hoàn toàn không đồng ý. Tôi rất thích sự không đồng ý của họ”. Một tác giả phải giữ được sự độc lập trước dư luận, nhưng phải tôn trọng những tiếng nói chống mình nếu chúng không xuất phát từ những động cơ bỉ ổi.

Nói thêm là dịch LĐK cũng lắm chuyện bực mình. Công phu hàm dưỡng văn hóa của Kim Dung rất cao, nên ở tác phẩm độc đáo này ông đã tinh tâm nghiền ngẫm chọn lựa thơ của Tra Thận Hành, tập cú để đặt tên 50 hồi cho bản chỉnh lý. Tra Thận Hành, thi gia nổi tiếng thời Thanh, có Kính Nghiệp đường thi tập, là một trong các vị tổ tiên của nhà văn, thi pháp cực kỳ độc đáo có điều dịch rất mệt. Chính Kim Dung cũng thừa nhận “Các bài thơ trong Kính Nghiệp đường thi tập tuy nhiều, nhưng muốn chọn năm mươi câu đối bảy chữ làm tiêu đề cho nội dung của mỗi hồi thì không phải dễ. Có khi câu trên rất hợp, câu dưới lại không có quan hệ gì, hoặc câu dưới rất hợp, nhưng câu trên lại không dùng được thì chỉ còn cách bỏ hết. Vì vậy có một số tên hồi không thật ăn khớp với nội dung. Sở dĩ tôi muốn tập cú thơ Tra Thận Hành, vì phần lớn những bài này đều đã qua mắt Khang Hy”.

Thật tình trước nay đối với văn chương, tôi vẫn chủ trương ráng làm chuyện khó để mình khá hơn, nhưng chuyện gì khó quá thì đừng làm. Khang Hy có thiếu gì thơ, nếu cứ tập cú lấy một câu thơ của Tra Thận Hành, một câu thơ của Khang Hy làm tên hồi thì chơi văn chương như vậy cũng hợp với nội dung lịch sử của tác phẩm, không kém phần tao nhã, cũng có điểm thú vị, mà đối với người dịch thì dễ thương hơn nhiều…

(Sau khi Kim Dung “trở lại Việt Nam” một thời gian, Phương Nam cho hay là đang tính mời Kim Dung qua Sài Gòn,  nếu Phương Nam làm được cái việc tổ chức cho các dịch giả gặp gỡ ông thì tôi sẽ tìm cách thỉnh giáo chuyện đó, tiếc là chuyến đi ấy của ông đã không thành).

***

Dịch Kim Dung với tư cách một người đọc, tôi được biết về cái học của một tác giả võ hiệp hiện đại. Dịch Kim Dung với tư cách một người học, tôi được biết về cách nghĩ của một nhân vật văn hóa Trung Quốc. Trong thời buổi sự đọc và sự học nhiều khi lẫn lộn Chân - Ngụy, Thiện - Ác, Nhã và Tục này, quả thật là một điều hạnh ngộ, một mối thiện duyên vậy.        

Đêm 1/11/ 2018

Vài nét về tác giả và dịch giả

Tiểu thuyết gia Kim Dung mất ở Hồng Kong đêm 30/10/2018 thọ 94 tuổi.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc) trong một gia tộc khoa bảng với ông cố là nhà thơ tài danh, ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Kim Dung nổi tiếng với 15 tiểu thuyết võ hiệp lừng danh như Anh hùng xạ điêu, Ỷ Thiên Đồ Long ký, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long Bát bộ...

Ông được bạn đọc bình chọn là tác giả tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất thế kỷ 20 và được mệnh danh là “Võ lâm minh chủ” về sách kiếm hiệp. Ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Ông nằm trong số những nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Sách của ông đã được in hơn 300 triệu bản và được bán khắp nơi trên thế giới.

Một trong những người dịch Kim Dung ở Việt Nam sau tháng 4/1975 là nhà nghiên cứu độc lập Cao Tự Thanh tên thật là Cao Văn Dũng.  Sinh 1955 tại Sài Gòn. Là nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, một trong những học giả Hán Nôm, dịch giả Hoa văn uy tín, Cao Tự Thanh có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu về các lĩnh vực này, hơn 40 đầu sách dịch cùng nhiều công trình khác.

Cao Tự Thanh bộc bạch rằng mình là người mang ơn Kim Dung vì đã dịch sách của nhà văn này để sống qua được thời điểm khó khăn (năm 1999-2000).               X.B

Tôi dịch Kim Dung ảnh 1

Tác phẩm Kim Dung được Cao Tự Thanh dịch

Tôi dịch Kim Dung ảnh 2

Dịch giả Cao Tự Thanh

MỚI - NÓNG