Bài 1: Phía sau băng chuyền
Trời nắng như đổ lửa cộng với sức nóng tỏa lên từ bê tông đường băng khiến mỗi khắc làm bốc vác tại sân bay như cực hình. Phu vác hành lý mồ hôi túa ra như tắm. Cảm giác cơ thể sắp khô kiệt khi bị phơi giữa sân nắng. Ấy vậy nhưng, chỉ chút lơ là trả nhầm hành lý, vài phút chậm trễ, nhẹ có thể bị nhắc trước cả đội, nặng có thể bị giảm thu nhập.
Nếm mùi
Sau thời gian chờ duyệt hồ sơ, trải qua khóa học lý thuyết và thực hành, tôi được nhận vào làm phục vụ hành lý tại Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài (NIAGS). Gọi là phục vụ hành lý cho hoa mỹ, thực chất công việc là làm phu bốc xếp hành lý cho hành khách đi máy bay.
Mới vào, tôi được giao nhiệm vụ trả hành lý những chuyến bay đến, khi quen việc mới được chất xếp hành lý chuyến bay đi. NIAGS chia công nhân phục vụ hành lý thành 2 đội: Một đội chuyên bốc xếp hành lý trong nhà (trả hành lý cho chuyến bay đến và xếp hành lý cho chuyến bay đi), một đội phục vụ hành lý ngoài tàu bay (bốc xếp hành lý, hàng hóa lên và xuống tàu bay).
Ngay ngày đầu xuống nơi làm việc, đập vào mắt là cảnh tốp công nhân đang bơ phờ sau ca làm việc. Thấy có “lính” mới tới, anh em vội gọi nhau dậy. Những cặp mắt đỏ hoe trên khuôn mặt xạm đen, ngơ ngác, mệt mỏi. Cũng chẳng mất nhiều thời gian để bản thân tôi hiểu rõ điều này. Nhìn dáng vẻ mảnh khảnh của tôi, nhiều anh em công nhân lâu năm không ngần ngại nói: “Để xem tay này trụ được mấy hôm”. Suốt thời gian làm phu sân bay, những cảnh đó dần thành chuyện thường ngày, và chứng kiến nhiều thứ không như những gì được dạy.
Công việc bốc xếp hành lý cho khách tại nhà ga T1 (ga hành khách nội địa) luôn nhẹ nhàng hơn ở nhà ga T2 (ga hành khách quốc tế), vì hành khách đi các chuyến bay trong nước thường ít hơn. Ngay ngày đầu đi làm, tôi được xếp trả hành lý tại nhà ga T2 và thực sự nếm mùi làm phu bốc vác. Trong thời gian hơn 4 tiếng đồng hồ (từ 9h30-14h), 5 anh em trong kíp hì hục bê, vứt hành lý không kịp ngơi tay. Chuyến bay này chưa trả xong, chuyến khác đã tới. Có thời điểm các chuyến bay tới chỉ cách nhau 5-10 phút.
“Làm ở T2 vào giờ hành chính (7h30-15h30) đã vất vả, vào các ngày thứ 4 hay Chủ nhật còn vất vả gấp đôi”, nhân viên tên Lâm nói và nhìn dáng vẻ mảnh khảnh của tôi đầy nghi ngại. Đó là những ngày có nhiều chuyến bay quốc tế tới Nội Bài nhất, góp mặt hầu hết các chuyến bay từ châu Âu về (như Nga, Pháp, Đức…) mang theo rất nhiều hàng hóa và hành lý ký gửi, nhưng cũng chỉ có 5 người chia nhau làm.
Trong những chuyến bay đó, anh em phu bốc vác ái ngại nhất là chuyến bay SU290, từ Moscow (Nga) về Nội Bài. Ngày thường, mỗi chuyến SU290 có trung bình từ 13-14 thùng hành lý AKE (loại thùng to, chuyên đựng hành lý cho máy bay cỡ trung bình trở lên, như Airbus 330, Boeing 777) đầy ắp những kiện hàng lớn, mỗi thùng nặng cả tấn hành lý. Để trả hết hành lý cho mỗi chuyến bay này phải mất 1-2 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể hàng chục chuyến bay khác trong khu vực, như từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… Bình quân mỗi ca làm phải trả hành lý cho khoảng 20 chuyến bay.
Bốc xếp hành lý cho hành khách chuyến bay đi. Ảnh: L.H.V.
“Khi có chuyến bay tới, hành lý được kéo vào băng chuyền phải có người đợi sẵn để trả, nếu không kíp đó sẽ bị phạt. Cao điểm có khi mỗi người trả một chuyến bay”, kíp trưởng Nguyễn Văn Lục nói trong hơi thở hổn hển. Nhiều đồ nhưng việc trả hành lý ở nhà ga T2 thường bị đứt đoạn vì máy soi của hải quan dừng thường xuyên. Người mệt lại phải chờ đợi càng làm anh em uể oải. Mỗi lần băng chuyền dừng lâu, kíp trưởng phải dùng bộ đàm gọi mới có nhân viên hải quan ra xử lý.
Đấy là với ngày bình thường, vào dịp cao điểm còn vất vả gấp đôi, đặc biệt dịp Tết, nghỉ lễ 30/4-1/5…, hành khánh đi lại tăng, ai cũng mang nhiều đồ, chưa kể các hãng hàng không tăng chuyến. Dù công việc tăng lên gấp đôi ba lần so với ngày thường, nhưng vẫn chừng ấy người làm, thậm chí còn phải làm thêm giờ.
Mỗi ngày làm việc vất vả, tới giờ anh em phu khuân vác phải thay phiên nhau đi ăn. Dù sáng đã lót dạ bằng suất xôi thịt 15 nghìn đồng, nhưng tới 10h, chân tay tôi đã bủn rủn vì đói. “Quy định mỗi người được nghỉ đi ăn không quá 30 phút, số lần đi vệ sinh thì thoải mái, nhưng không quá 7 phút một lần”, anh Lục nói. Rồi anh này kể, vào những đợt cao điểm, hay hôm hành lý nhiều, anh em phải nhịn đói làm việc tới chiều.
Công việc nặng nhọc, nhưng bữa cơm của phu bốc vác sân bay tại nhà bếp của xí nghiệp khá đạm bạc. Suất ăn dường như chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. “Cơm không ngon cũng cố ăn còn có sức làm. Nhiều hôm khó nuốt thì chan canh rồi lùa vào cho xong bữa”, anh Lục nói khi đang đổ cả bát nước rau muống luộc vào hơn nửa số cơm còn lại để húp.
Ám ảnh từ những chuyến bay trễ
Ngoài công việc nặng nhọc, phu bốc vác sân bay còn phải đương đầu với tiếng ồn (đầu kéo, máy bay), khói bụi, đặc biệt những hôm nắng nóng. Những khi Hà Nội nắng nóng cao điểm, nhiệt độ lên 38-39 độ C, ở sân bay phải lên tới 48-49 độ C.
Công nhân bốc vác sân bay tranh thủ ngủ mọi lúc mọi nơi. Ảnh: L.H.V
Một lần trả hành lý tại nhà ga T1, tôi được phân công làm cùng Lâm (quê miền Trung). Chuyến đầu, xe kéo vào 3 thùng hành lý, trả hết, người đã ướt đẫm mồ hôi. Trong lúc đợi xe kéo những thùng hành lý khác tới, Lâm ra đứng ở lối vào của băng chuyền hành lý (chỉ rộng khoảng 1m2), rồi kéo tấm rèm nhựa nhìn vào trong. Thấy “lính” mới là tôi đứng ngoài lau mồ hôi, người ướt như tắm, anh gọi lại và bảo: “Đứng đây nghỉ lát cho mát, xe tới rồi trả tiếp”.
Thông thường, mỗi ca làm việc, ngoài căn cứ theo giờ, còn được cố định với các chuyến bay theo lịch có trước, nên việc phải tăng ca bất đắc dĩ khó tránh. Đặc biệt với ca làm đêm (15h30-24h), nếu những chuyến muộn tới trễ khiến công nhân phải ở lại chờ đợi. Chỉ khi nào chuyến bay xuống trả hết hành lý cho khách, những người bốc vác mới được về.
Tối 19/8, theo lịch, những người khuân vác chỉ làm tới 23h30, nhưng tối đó Hà Nội mưa to, nhiều máy bay không hạ cánh được. Hết giờ làm, nhưng vẫn còn gần chục chuyến bay chưa xuống. Vậy là những người bốc vác phải ở lại làm tới 3h sáng hôm sau. Dù phải tăng ca, nhưng sáng hôm sau, anh em đều phải đi làm sớm.
Có người làm từ 6h, người muộn nhất cũng 7h30. “Chuyện phải làm muộn rồi rạng sáng hôm sau dậy sớm quá thường ở đây. Có khi hôm sau còn phải làm từ 5h sáng, tính ra chỉ ngủ được 2-3 tiếng”, nhân viên tên Tư - làm cùng kíp với tôi kể, miệng ngáp dài.
Trên lý thuyết, khi trả hành lý, công nhân phải bốc từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Nhưng thực tế, công nhân thường cầm quai vali nào tiện kéo được làm trước, mặc cho những kiện phía trên rơi tự do xuống đáy thùng, hoặc vứt vào băng chuyền.
Nhiều trường hợp vali bị kéo đứt quai, rách một góc lộ cả đồ bên trong; những vali nhựa bị kiện hàng nặng từ trên cao rơi trúng kêu răng rắc. Khi gặp kiện hành lý hoặc vali bị rách, hỏng từ trước đó, hay do mình làm hỏng; công nhân bóc một phần thẻ hành lý giữ lại.
“Bóc thẻ hành lý giữ lại để nếu khách có khiếu nại mình còn giải thích đã phát hiện hành lý bị hư hỏng, bong rách từ trước, không phải do mình làm”, anh Lục, người hướng dẫn tôi thực hành, chỉ dẫn.
(Còn nữa)
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi
Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hiện có Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Nội Bài (NIAGS) và Cty Thương mại Mặt đất Hà Nội (HGS) cung cấp các dịch vụ mặt đất cho các hãng hàng không. Trong đó, NIAGS chiếm 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ, với 25 hãng hàng không khách hàng.