Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại sử dụng quân bài hóa học trong lúc chiến trường Syria đang ở vào tình thế “căng như dây đàn”?.
Tại sao lại vào lúc này?
Thư ký phụ trách báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Mỹ đã phát hiện ra bằng chứng về các công tác chuẩn bị cho một vụ tấn công bằng vũ khí hóa bọc, giống như các hoạt động từng được thực hiện trước khi xảy ra vụ tấn công hồi tháng 4 vừa qua, khi Mỹ cáo buộc các lực lượng chính phủ tiến hành tấn công hóa học nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun ở tỉnh Idlib.
Vụ nã tên lửa hồi tháng 4 vừa qua được cho là một thông điệp gửi đến phía Syria rằng Mỹ vẫn đang ở đây và sẽ áp đặt trừng phạt nếu Syria vượt qua những lằn ranh đỏ được vạch ra.
Hai tháng sau, Washington lại một lần nữa giở chiêu bài cũ, câu hỏi đặt ra là tại sao lại là lúc này?
Mỹ hiện có các lực lượng đặc biệt ở vùng sa mạc Syria và vùng nông thông Aleppo, cũng như tại các khu vực do người Kurd kiểm soát ở Bắc Syria. Washington hiện đang hỗ trợ mạnh mẽ cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd chỉ huy nhằm giành lại thành phố Raqqa từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ cũng hỗ trợ các nhóm nổi dậy khác ở Nam Syria, khu vực sa mạc gần biên giới Iraq và cả các nhóm nổi dậy đang chiến đấu ở gần biên giới Jordan. Các thông tin ở địa phương cho biết bên phía Jordan đang thực hiện công tác chuẩn bị quân sự ở bên kia biên giới.
Hơn nữa, Mỹ đang nỗ lực giành lại các vùng ảnh hưởng của mình tại Syria và không muốn bị cản trở, nhưng sự tiến triển mà quân đội Syria đạt được, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, rõ ràng đang khiến Washington khó chịu.
Kể từ tháng trước, quân đội Syria đã chiếm lại được hàng nghìn km2 lãnh thổ tại vùng sa mạc rộng lớn từ tay IS, và lần đầu tiên kể từ năm 2014 đã tiếp cận được biên giới Iraq.
Trong quá trình này, các lực lượng thân chính phủ đã hai lần bị Mỹ cản trở vào ngày 18/5 và 6/6 tại khu vực gần ngã tư biên giới Tanf, nơi Mỹ và Anh có các căn cứ quân sự.
Toan tính của Mỹ
Việc Mỹ một lần nữa sử dụng quân bài hóa học là nằm trong toan tính muốn mở rộng ảnh hưởng ở Đông Syria, đặc biệt là ở tỉnh Deir al-Zour và vùng sa mạc Syria tại ngã ba giữa Syria, Iraq và Jordan, nhằm ngăn Iran và các đồng minh tiếp cận Syria và Liban.
Như vậy, mục tiêu chính của Mỹ là giảm ảnh hưởng của dòng Hồi giáo Shi’ite ở Syria bằng cách cản trở bất cứ sự kết nối nào ở biên giới giữa Syria với Iran thông qua Iraq, và đó là lý do quân đội Syria và các đồng minh của họ là nhóm Hezbollah ở Liban và các chiến binh Shi’ite khác đang chiến đấu để đẩy lui kế hoạch của Mỹ ở Syria.
Theo các chuyên gia phân tích, hiện nay chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khó chịu với những bước tiến lớn mà quân đội Syria đạt được tại các tỉnh Aleppo, Homs, Hama, vùng nông thôn Damascus, cũng như tại khu vực gần biên giới với Iraq.
Việc Mỹ thông báo sẵn sàng khai hỏa Syria là nhằm mục đích phá vỡ thế bất lợi của Mỹ tại chiến trường Syria. Đồng thời Mỹ cũng muốn thông qua động thái này nhằm tạo lợi thế với Nga trước thềm các cuộc tiếp xúc song phương giữa Mỹ và Nga bên lề Hội nghị G-20 sẽ diễn ra từ ngày 7-8/7 tại Hamburg (Đức).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tình hình chung hiện nay tại chiến trường Syria không cho thấy phía Syria sẽ dễ dàng e sợ trước động thái của Mỹ. Syria đang tiếp tục đạt nhiều tiến triển trên các mặt trận, và việc Tổng thống Assad đã đến thăm căn cứ Latakia của Nga như một thông điệp về mối liên minh mạnh mẽ giữa Moscow và Damascus.
Hơn nữa, Mỹ không dễ gì tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào quân đội Syria bởi điều đó sẽ dẫn đến khả năng đối đầu trực tiếp với Nga.
Việc Mỹ áp dụng là "quân bài hóa học" cộng với sự đe dọa quân sự nhằm vào Syria chỉ càng làm phức tạp thêm triển vọng về các giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Bởi điều đó sẽ khiến căng thẳng Mỹ-Nga ngày càng gia tăng và thay vì lời nói, vũ khí sẽ là thứ được sử dụng nhiều nhất tại chiến trường Syria vốn đã đầy bão lửa.