Nhà thì chẳng có gì đâu, kim cương không mà tiền cũng không, nhưng đập vỡ cửa kính là mất tiền mua cửa mới rồi. Đến cái xó rừng tưởng thanh bình tĩnh lặng này giờ cũng bị kẻ trộm rình rập rồi. “Ở thành phố còn lắm trộm cắp hơn. Bọn chúng hoạt động mạnh nhất là tháng gần Tết Dương lịch”, mẹ chồng tôi bảo thế. Hóa ra bên này cũng bị “tháng củ mật” như ở Việt Nam.
Có điều trộm cắp ở Việt Nam tăng mạnh vì nghiện hút nhiều nên làm liều, còn ở một số nước Tây Âu, trộm cắp tăng vì cái gọi là... hội nhập toàn cầu, mở cửa biên giới giữa các nước EU.
Chuyện là thế này, vào mùa đi lại không cao điểm, mua vé máy bay khứ hồi từ một số nước Đông Âu vào Tây Âu có khi chỉ 50 Euro. Vậy là những kẻ hành nghề đạo chích từ Đông Âu đàng hoàng bay sang các thành phố lớn như Brussels, Amsterdams, Frankfurt... nhòm ngó, đột vòm, phá khoá lấy trộm tiền của nhà dân, nhà trường, thậm chí nhà thờ..., sau một trận càn thì lên thẳng phi cơ về nước, cảnh sát địa phương tìm đằng trời.
Minh họa: Đỗ Đức
Một anh bạn người Việt mở nhà hàng Nhật ở thành phố Koln (Đức) đang loay hoay dọn ra khỏi khu nhà giàu, than với tôi “Ở khu nhà giàu càng không an toàn. Chiếc BMW của ông hàng xóm để trong garage đã khóa mà bốc hơi sau một đêm. Vài tháng sau cảnh sát thông báo họ tìm thấy chiếc xe này ở Hungary”.
Gần đây người Việt chúng ta có vẻ buồn phiền vì liên tiếp bị Nhật, Thái, Hàn rêu rao đồng hương trộm cắp, ăn tham, xả bẩn... Nước nào chẳng có người mắc tật xấu đó, chỉ khác ở tỷ lệ. Ừ thì tỷ lệ này đối với người Việt có phần cao hơn, nên tự phê để sống đẹp hơn, tự tin hơn chứ đừng tự phê đến nỗi thành tự ti.
Ai xem phim “The Italian job” (Nghề Ý) của đạo diễn lừng danh F. Gary Gray cũng thấy ở Ý, người ta chuyên nghiệp trong cả việc... trộm cướp. Nổi tiếng lên phim mà họ có tự ti lắm đâu, nhỉ!
Ngay người Việt lao động ở châu Âu này cũng là nạn nhân của những kiểu trộm cắp vặt vãnh, quịt tiền chẳng hạn. Mấy người bạn gái từ Hà Lan sang chơi với tôi tháng trước, hò nhau gọi món Việt ăn cho đã đời, bởi “Không ăn mà chỉ có làm thì đứa khác nó cũng ăn giùm mình”. Làm nghề móng bây giờ xuống giá, cạnh tranh khốc liệt, ai cũng biết, thế mà còn bị quịt tiền khá thường xuyên.
“Đối tượng khách nào hay quịt, người nhập cư, da màu?”. Mấy cô bạn đồng thanh “Hổng dám đâu, người nhập cư lại tử tế, mấy người da trắng mới hay quịt tiền”.
Lợi dụng lúc tiệm đông khách, làm móng xong họ bảo ra ngoài rút tiền vì ví không sẵn tiền mặt, hoặc ra ngoài nghe cuộc điện thoại gấp rồi quay lại trả, nhưng đi luôn. Mình bận khách mới cũng quên bẵng, chục phút sau nhớ ra đã muộn.
“Có đứa trơ tráo, vài tuần sau đàng hoàng quay lại chìa tay đòi đắp móng. Mình đòi tiền bữa trước, nó bảo trả rồi. Mình gọi cảnh sát tố giác, cảnh sát cưỡi ngựa lộp cộp đến mới oai chứ. Nghe tố đi tố lại một hồi, ổng phán: lần sau nên đòi tiền trước khi làm móng. Tức cành hông, kiểu gì họ cũng bênh người bản xứ thôi à”.
Theo một điều tra mới đây tại vùng Flanders (Bỉ), cứ bốn nhà hàng thì có một nhà hàng gặp vấn đề thực khách ăn xong và rời đi không trả tiền. Nhưng không phải nhà hàng nào cũng báo cảnh sát. Tổ chức tiến hành cuộc điều tra này cho rằng khủng hoảng kinh tế là một trong những lý do, thêm nguyên nhân nữa, vì lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng nên thực khách bắt buộc phải ra ngoài hút, làm xong điếu thuốc chẳng muốn quay vào nữa.
Giải thích thế chẳng khiến người ta bớt xấu xí hơn được là bao. Có rất nhiều cách để trở nên nổi tiếng, vì “xấu xí” chẳng hạn. (Người Việt lo là chúng ta đang theo đà này chăng?).
Titus Clarysse lừng danh khắp vùng Flanders bởi ông này là chuyên gia ăn quịt với thành tích: chén no say, gọi đủ món tại hơn 100 nhà hàng mà không trả tiền. Năm 2009 Clarysse bị phạt tù 6 tháng vì hơn 50 cáo buộc ăn quịt, chịu phạt 1.650 Euro, được thả ông ta tiếp tục hành nghề cũ.
Đầu năm nay báo chí đưa tin Clarysse đã bị đâm chết trong căn hộ riêng, mới 35 tuổi, chấm hết số phận kẻ mà tạp chí New York phong danh “gã ăn quịt nhà hàng nổi tiếng nhất châu Âu”. Báo chí quốc tế còn đưa sự kiện này lên trang nhất. Ấy cũng là một kiểu xấu xí mang tính toàn cầu.