Mất hứng ở vườn thú

Ngày 8/3 vừa qua một nhóm người thuộc Hội Bảo vệ động vật tụ tập tại trung tâm Brussels phản đối lệnh giết chó hoang của pháp luật Rumani. Khẩu hiệu giăng “Thẻ đỏ cho Rumani”, “Rumani - đất chết”.
Ngày 8/3 vừa qua một nhóm người thuộc Hội Bảo vệ động vật tụ tập tại trung tâm Brussels phản đối lệnh giết chó hoang của pháp luật Rumani. Khẩu hiệu giăng “Thẻ đỏ cho Rumani”, “Rumani - đất chết”.
TP - Chuyện âm ỉ từ cuối tháng Hai vừa rồi. Chính phủ Bỉ muốn sở hữu hai chú gấu trúc của Trung Quốc trong 15 năm, phải trả 10 triệu Euro. Trung bình tiền thuê từ 600.000- 700.000 Euro/năm/gấu. 

Cũng thời điểm này, tổ chức Gezinsbond- chuyên chăm sóc gia đình và trẻ em đưa ra con số 219.532 Euro là tổng chi phí nuôi nấng một đứa trẻ vùng Flanders cho đến 25 tuổi, đã bao gồm tiền vào đại học. Trung bình 462 Euro/tháng/người.

Ai đi so sánh người với thú. Dẫu xét về khoản đẹp đẽ và quý hiếm, con người thích ngắm thú vật hơn rồi. Ngược lại, thú thấy người là tránh. Ấy là chưa kể cái đức của gấu trúc, ăn chay trường và lười sinh sản, quả khác người lắm, văn minh lắm.

Đã hiểu thế sao vẫn nghĩ ngợi mãi. Có lẽ tại phát biểu lạc quan của người quản lý vườn thú chăng? Họ hy vọng khoản chi phí mua gấu trúc sẽ thu lại được, thậm chí có lãi nhờ tiền bán vé vào vườn thú. Nghe xong càng mất hứng. Nếu vé không bù lại được? Chắc lại trích ngân sách- tiền thuế, thuế ai chẳng phải đóng, nhưng vé vào vườn thú chẳng phải ai cũng mua được.

Lần đầu tiên thăm vườn thú ở Bỉ, tôi đã muốn mách ngay bạn bè ở nhà rằng nếu có thời gian, tranh thủ cho con cái trải nghiệm vườn bách thú ở Việt Nam, khỉ, gấu và cá sấu nhiều hơn hẳn bên này, giá vé lại quá rẻ. Ở đây, vé vào vườn thú trung bình 20 Euro/người, cả nhà đi thăm thú là to tiền rồi.

Người Bỉ chắc chưa quên vườn thú đầu tiên của nước này đón khách tháng 7/1843 ở Antwerp, sau đó tỉnh Ghent cũng mở sở thú. Vườn thú ở Bỉ gần hai thế kỷ sau có thêm gấu trúc cũng không ngăn được cảm giác, thăm thú ngày nay đắt đỏ nào kém gì xưa, dẫu cho đời sống của thú trong vườn thoải mái hơn xưa rất nhiều.

Thời ấy, một chuyến thăm vườn thú ở Bỉ mang nặng tính độc quyền, ví như phải là thành viên của Hội Lịch sử tự nhiên tỉnh Ghent. Sau này không phải thành viên cũng được vào, nhưng người bình dân phải đợi cả thập kỷ tiếp theo mới được mở mắt trước những sinh vật lạ, dĩ nhiên nếu họ có thể trả tiền vé.

Bao giờ con được đi xem gấu trúc? Bọn trẻ bắt đầu hỏi. Thành thử hai chú gấu trúc Hao Hao và Xing Hui bị nhiều ông bố bà mẹ giận lây vì cái màn đưa rước trong lồng kính nhung lụa từ sân bay về vườn thú trước sự tung hô, chứng kiến của hơn 120 đại diện các hãng thông tấn báo chí quốc tế. 

Hình ảnh gấu trúc xuất hiện trên thời sự nhiều đến nỗi bọn trẻ càng hỏi gấp. May ngay sau đó, người ta đưa thêm phóng sự ngắn về mấy ông bố bà mẹ, có cả sự tham gia của các em nhỏ đêm đêm đội mưa đi bắt lũ ếch vào mùa sinh sản, ráp đôi tình tự rồi liều mình phi qua đường sang hồ bên kia đẻ. 

Rất nhiều ếch bị ô tô cán chết. Cũng may chính con người cặm cụi soi đèn bắt ếch bỏ vào xô chậu mang sang hồ thả, giúp lũ ếch vượt cạn an toàn.

Xưa nay, chuyện vườn thú thường kết thúc không có hậu, nếu không muốn nói bi thương. Tình trạng kinh doanh và sức hấp dẫn của vườn thú bắt đầu suy thoái từ cuối thế kỷ 19. Khoảng năm 1905, bức màn nhung vườn thú hạ xuống, đàn thú về đâu? Chúng được đưa vào những phiên đấu giá, mua sư tử về làm thú cảnh trong nhà dĩ nhiên hấp dẫn hơn nuôi chó mèo. 

Đến nay, người ta vẫn kể về số phận con voi tên Jack, niềm tự hào vườn thú, được một lái buôn mua với giá khoảng 350 Francs, khoản tiền kha khá thời bấy giờ, định bán lại cho đoàn xiếc nhưng không thành. 

Chết tắc với con vật to lớn này, gã lái buôn quyết định giết Jack, giết thế nào không rõ, người bảo gã xiết cổ voi bằng dây thép, người bảo gã bắn Jack rồi quẳng vào một bữa tiệc mà chính bạn cũng không muốn ước điều này xảy ra cho kẻ thù của mình: đầu voi trưng bày vài ngày ở một khách sạn, thịt chuyển vào xưởng sản xuất xúc xích.

Với tôi, đọng lại chỉ hai vườn thú đặc biệt đem lại trải nghiệm đẹp đẽ, đó là khi đọc Gỗ mun của Ryszard Kapuscinski - phóng viên Ba Lan kiệt xuất miêu tả đường từ Dar es Salaam đến Uganda, đi vào những bình nguyên tập trung nhiều động vật hoang dã nhất thế giới “đâu đâu cũng là những đàn lớn ngựa vằn, linh dương, trâu, hươu cao cổ.

Tất cả đang gặm cỏ, nô rỡn, chơi đùa, chạy nhảy. Ngay bên đường là đàn voi, còn xa hơn nữa, nơi chân trời, con báo đang nhảy những bước dài. Tất cả hồ như không có thực, như thể ta đang chứng kiến sự ra đời của thế giới, khi đã có trời và đất, khi đã có nước, cây cối và thú hoang, nhưng còn chưa có Adam và Eva. Thế giới chưa có con người, nghĩa là cũng chưa có tội lỗi”. 

Huyền ảo hơn nhưng cũng cân bằng hơn, đó là vườn thú đặc biệt để nhà văn Yann Martel dựng Cuộc đời của Pi, không gian chỉ một con thuyền, mũi này cậu bé Pi nằm co quắp, mũi kia sừng sững con hổ Bengal, người và thú, từ sợ nhau đến hiểu nhau, nương tựa nhau sống sót qua những tháng ngày đắm tàu giữa Thái Bình Dương. Vườn thú ấy mới đẹp làm sao!

MỚI - NÓNG