Quà quê

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Hơn 15 tiếng đường bay trở lại Bỉ, trên băng chuyền hành lý ký gửi tôi nâng niu vali chứa đầy rau củ mang từ Việt Nam sang.

Bên phải tôi, người đàn ông Bỉ lấy vợ Việt cũng hết sức gượng nhẹ với túi đồ vì sợ chai nước mắm, nước tương, mắm ruốc vợ cố nhét vào sẽ làm hỏng chiếc túi thể thao hàng hiệu.

Tôi và cô vợ trẻ của anh chàng kia chung quan điểm: mang về Việt Nam những món quà tây xịn, còn những thứ mang sang phải thật chân quê. Này nhé, gừng ta, tỏi ta, hành ta, nhánh gié cứ gọi là nhỏ xíu nhưng động vào thơm lừng cay xè. Quý ở chỗ ấy, người nhà mình bây giờ cũng phải săn lùng những thứ ta thật là ta để ăn cơ mà. Ở câu chuyện này, hình thức chính là nội dung.

Quà quê ảnh 1

Minh họa: Đỗ Đức

Nhà triết học người Pháp Roland Barthes từ nửa thế kỷ trước nói “Món ăn nhà nông giống như trí tưởng tượng thôn quê của những cư dân buồn chán”. Còn Tết Giáp Ngọ vừa rồi, tôi hiểu ra rằng, Tết ở nhà quê mới thực sự là cái Tết đáng mong. 

Hãy ngắm các cư dân thành thị, mấy ngày trước Tết suýt ngất vì xếp hàng trong siêu thị, ba ngày Tết thì tủ lạnh phát nóng vì đồ tích trữ và mới mùng 4, 5 đã ào ào đổ ra bãi rác nào chuối chín rục, bánh chưng thiu, giò thiu. Tết phí hoài.

Trong khi đó, Tết ở làng quê thế nào? Không mỹ miều lắm tính từ như những món ăn trong menu nhà hàng chặt chém khách, ăn Tết kiểu chân quê vừa nhẹ bụng vừa ngon miệng. Gà ta nuôi cả năm vẫn thả trong chuồng, lúc nào thèm ăn mới bắc nồi nước làm lông. Ao nhà chỉ cần thuê máy bơm hút xè xè vài tiếng là có cả rổ cá quả, cá trắm, cá chép tươi rói. 

Bánh chưng nhà tự gói, ít thôi, đun bằng củi nhãn, than đượm cời ra nướng chả, ninh bánh từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người làm gì phải sốt ruột nhét chì cho chóng chín. Chợ quê nhộn nhịp đến chiều muộn ngày ba mươi và sáng mùng 2 đã í ới mở hàng rau dưa nên chẳng cần tích trữ. 

Thêm người bạn từ Mỹ về, hai bạn từ Hàn Quốc sang, mùng Một Tết ở nhà tôi xèo xèo chảo cá lăng ướp nghệ bốc khói, thì là thơm nức quyện hành phi và rổ rau diếp xanh mướt hái từ vườn vào. Nào là chả cá cuốn rau diếp, miến gà trụng rau diếp, nem rán ăn kèm rau diếp, bát măng nóng hổi cũng nhúng thêm rau diếp cho mát ruột... 

Có hai luống rau diếp vườn nhà thôi mà cả Tết cuốn cuốn gói gói, khách đến ăn chán còn túi lớn túi bé mang về thành phố. Luống rau vẫn bời bời trổ lá như rau Thạch Sanh.

“Các bác ăn thoải mái đi, rau sạch nhà trồng”, mẹ tôi luôn miệng mời. Cả Tết ăn rau xanh đến nỗi sâu rau bò lổm ngổm trên bàn. Anh rể tôi là người ngoại quốc sống ở Việt Nam lâu năm cứ tủm tỉm cười. Cũng không sạch lắm đâu, theo chuẩn của anh. 

Ấy là vào một chiều oi bức, anh đứng trên sân thượng hóng chút gió mát, bất chợt nhìn thấy chị Tý- chị họ và cũng là người giúp việc cho gia đình tôi đang giặt giũ ở máy nước, rồi chị nhìn trước nhìn sau, nhà vệ sinh thì xa mà hai luống rau thì gần, chị bước nhanh vào giữa hai luống, úp nón ngồi thụp xuống. Nghe chuyện, chị bạn từ Mỹ về cười khà khà “thêm đạm cho rau, có sao đâu”, tay không ngừng cuốn rau diếp.

Cũng từ cái sân thượng toà nhà hiện đại mới xây thay cho ngôi nhà ngói năm gian lọt thỏm giữa tán nhãn cổ thụ, đêm giao thừa cả nhà tôi đứng ngắm pháo hoa làng bắn tứ phía. Ngồi nhà xem pháo hoa, đâu phải gửi xe chen chúc ra Bờ Hồ như người Thủ đô. Làng tôi còn nghèo nên pháo hoa nghe chừng đì đẹt thưa thớt. 

Làng dưới giàu hơn, nhiều người đi lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản nên khai pháo sớm cho đến một giờ đêm còn đùng đoàng nhịp mau không ngớt. Trời đêm ba mươi sáng rực pháo hoa cùng đèn điện màu lung linh, cùng một nơi mà được ăn chân quê sống thành thị, thế mới là hưởng thụ Tết chứ.

Trong mắt nhân viên hải quan ở sân bay châu Âu, tôi và cái vali quà chân quê nào khác gì hình ảnh chị Tý lên thành phố. Mấy năm đi giúp việc ăn sung mặc sướng, chị sắm được đôi bông tai vàng ta, hí hửng muốn đeo lên thành phố khoe với họ hàng. Vậy mà mẹ tôi cản “Đeo vàng tơ hơ thế, đi xe buýt nó giật cho thì cứ gọi là hao người tốn của”. 

Để che bông tai, chị Tý vội vớ lấy cái khăn vuông buộc to hó như gái đẻ, quảy đòn gánh năm cân gạo nếp, bốn con gà đã mổ sẵn nhảy xe buýt ra Hà Nội. Trước khi lên xe chị còn gửi được người buôn hàng chuyến mang về giúp cái đòn gánh.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hành lý của tôi còn nhẹ chân quê hơn hành lý của chị bạn sắp trở về Mỹ với một kiện hàng đặc biệt- chiếc thớt gỗ nghiến đường kính gần một mét, nặng hơn chục cân.

MỚI - NÓNG