Cà Mau:

Tò mò mô hình du lịch vuông tôm trong rừng đước

TPO - Xuất thân đều từ nông dân chính gốc nhưng nhiều người đã tận dụng sản vật địa phương làm du lịch mang lại hiệu quả khá cao, giúp họ vươn mình đổi đời.

Với khu rừng tràm hơn 60ha, ông Phạm Duy Khanh (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã biết cách tận dụng lợi thế sản vật địa phương để khai thác du lịch. Anh là người đầu tiên xây dựng thành công hoạt động trải nghiệm cho du khách vào rừng ăn ong lấy mật.

Ông Khanh dành gần 3 năm theo những bậc tiền bối ở địa phương để học nghề khai thác mật ong rừng. Sau khi nắm hết kỹ thuật gác kèo ong, anh Khanh bắt đầu tự dựng kèo dụ ong về làm tổ trên phần đất của gia đình.

Tò mò mô hình du lịch vuông tôm trong rừng đước ảnh 1

Du khách trải nghiệm ăn mật ong sau khi vào rừng lấy mật.

Trong những năm đầu tiên, khu rừng của ông Khanh nhận được sự “săn đón” rất lớn từ các cơ cơ sở lữ hành, với trải nghiệm ăn ong lấy mật độc đáo. Nhờ khai thác tốt lợi thế, thời điểm này trung bình một tháng anh đón hơn 500 lượt khách đến trải nghiệm.

Ông Khanh cho biết, từ tập tính của loài ong, người thợ thiết kế hệ thống kèo gồm 2 cây đứng và 1 cây gác ngang, tạo độ nghiêng để ong làm tổ. Mỗi người thợ sẽ có những "bí quyết" riêng, nhưng cơ bản tổ ong phải là nơi có ánh sáng tốt, khu vực cây tràm có nhiều bông để ong dễ đến trú ngụ, lấy mật. Thông thường, thời điểm ong làm mật nhiều nhất từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau âm lịch và tháng 7 âm lịch. Đây cũng là thời điểm ong cho chất lượng mật tốt nhất.

Ngoài ăn ong lấy mật, du khách khi đến khu rừng của ông Khanh còn được giăng lưới bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn, thưởng thức các món ăn chế biến từ những sản vật có sẵn, rồi cùng hòa mình vào không khí trong lành của những tán rừng tràm bạt ngàn. Mỗi năm, ông Khanh đón khoảng 6.000 lượt khách, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Tò mò mô hình du lịch vuông tôm trong rừng đước ảnh 2

Dỡ chà bắt cá.

Nói về định hướng trong tương lai, ông Khanh cho biết, muốn liên kết với nhiều hộ dân có đất rừng trong khu vực để tạo ra một vùng rừng tràm rộng lớn. “Ngoài giữ gìn nghề ăn ong truyền thống, tôi hy vọng nhiều nông dân sẽ sống được trên mảnh đất quê hương, từ rừng tràm”, anh Khanh bộc bạch.

Nếu như ông Khanh thành công với rừng tràm thì ông Lê Minh Tỵ (47 tuổi, ở huyện Ngọc Hiển) lại thành công với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đước kết hợp làm du lịch với các trải nghiệm xổ vuông tôm, dỡ chà bắt cá, câu cá thòi lòi, đặt rập (bẫy) bắt cua, câu cua,...

Khi tuyến đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi, ông Tỵ ban đầu mở quán cà phê rồi trạm dừng chân. Dần dần, anh mở thêm gian hàng để bày bán các loại đặc sản địa phương. Tại đây, du khách có thể chọn mua những loại đặc sản đa dạng, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về làm quà như: Rượu trái giác, cá khô bổi, tôm khô, bánh phồng tôm, bánh phồng chuối, khô cá khoai…

Tò mò mô hình du lịch vuông tôm trong rừng đước ảnh 3

Cây đước hơn 60 năm tuổi, thân có 11 ngọn.

Bằng hình thức làm du lịch trải nghiệm vuông tôm trong rừng đước, mô hình của ông Tỵ thu hút 1.500 - 2.000 lượt khách mỗi năm. Kết hợp bán thêm thủy sản, sản phẩm OCOP, gia đình ông Tỵ thu lợi nhuận mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Tại điểm du lịch của ông Tỵ vẫn còn giữ được cây đước hơn 60 năm tuổi. Gốc đước có thân được phân ra thành 11 ngọn, chiều cao hơn 10 m, trở thành điểm tham quan, check in và diễn ra các hoạt động vui chơi tại điểm du lịch.

Cà Mau hiện có 27 khu, điểm du lịch, trong đó có 2 khu du lịch cấp tỉnh. Các mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đang được người dân quan tâm đầu tư, góp phần bảo vệ phát triển rừng, tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

MỚI - NÓNG
Bình luận