Tính toán của Nga trong cuộc tập trận Zapad-2017

Tính toán của Nga trong cuộc tập trận Zapad-2017
TPO - Cuộc tập trận Zapad-2017 sẽ giúp Nga đưa hàng chục nghìn binh sĩ đến gần Ukraine hơn so với trước đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ, qua đó gây sức ép lên Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong các vấn đề liên quan tới giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cuộc tập trận Zapad-2017

Zapad, có nghĩa là "phía Tây" trong tiếng Nga, đồng thời biểu thị đường hướng chiến lược về phía Tây, là một loạt cuộc tập trận được tổ chức 4 năm một lần.

Zapad-2017 là cuộc tập trận Zapad đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014. Là cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus, Zapad sẽ diễn ra trên khắp vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Belarus đến bán đảo Kola ở vùng Viễn Bắc  kéo dài từ ngày 14-20/9.

Trong đó chỉ riêng ở Belarus sẽ có tới 7 cuộc tập trận trong khuôn khổ Zapad. Quân đội Nga cũng cho biết, sẽ có khoảng 12.700 binh lính hoạt động dọc theo biên giới của NATO ở Tây Nga, vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận này.

Lực lượng tham gia Zapad-2017 gồm 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không. Nga dự kiến triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 người sẽ tham gia tác chiến tại Belarus.

Nga và Belarus đều mời quan sát viên từ Liên Hợp Quốc, Tổ chức Anh ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), NATO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) tới theo dõi cuộc tập trận.

Tập trận Zapad bắt nguồn từ thời Liên Xô, được tổ chức lần đầu tiên năm 1973. Trong đó, Zapad 81 là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử, kéo dài trong 8 ngày với sự tham gia của 100.000-150.000 binh sĩ Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw. Liên Xô đã thử nghiệm nhiều khí tài mới trong Zapad 81, như tên lửa đạn đạo tầm xa RDS-10, loại vũ khí sau đó bị cấm bởi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF).

Hoạt động diễn tập này bị ngừng lại sau khi Liên Xô tan rã và chỉ được nối lại bằng Zapad 2013.

Đây là cuộc tập trận mà Nga lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái để định vị mục tiêu cho pháo binh dội hỏa lực và đánh giá thiệt hại đối phương sau oanh tạc.

Phản ứng của NATO 

Các quốc gia vùng Baltic thuộc NATO và các nước NATO đã có những phản ứng ở những mức độ khác nhau đối với cuộc tập trận này.

Litva, quốc gia vốn bị kẹp giữa Kaliningrad và Belarus, đặc biệt lo ngại về cuộc tập trận  Zapad-2017. Cơ quan tình báo của Litva đã cảnh báo về khả năng xảy ra các hành động khiêu khích hoặc những sự cố được dự liệu trước dọc biên giới nước này trong quá trình diễn ra cuộc tập trận.

Họ cũng lưu ý sự sẵn sàng nói chung của các binh sĩ Nga đã tăng lên, đồng thời ước tính Nga có khả năng tổ chức và tiến hành xâm lược các quốc gia Baltic trong vòng từ 24-48 giờ.

Ba Lan một quốc gia thuộc vùng Baltic và là thành viên của NATO hiện cũng lo ngại về khả năng binh sĩ Nga sẽ ở lại Belarus sau khi kết thúc cuộc tập trận, do đó sẽ mở rộng sự hiện diện lâu dài của binh sĩ Nga dọc biên giới với các nước Baltic và gia tăng áp lực ngầm lên các quốc gia Baltic cũng như Ba Lan.

Trong khi đó các quốc gia NATO khác cũng đã có phản ứng trước những lo ngại của các nước Baltic về cuộc tập trận Zapad-2017. Các nhóm chiến đấu đa quốc gia theo như cam kết tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vacsava vào tháng 7/2016 cuối cùng đã bắt đầu được triển khai một cách trùng hợp đến các quốc gia Baltic và Ba Lan.

Quân đội Mỹ, châu Âu cũng cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước Baltic trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Zapad-2017, với 600 lính dù từ 3 đơn vị được triển khai đến 3 nước Baltic.

Sự hiện diện của NATO, đặc biệt là Mỹ, cũng đã gia tăng thông qua một loạt cuộc tập trận quân sự liên tiếp có quy mô nhỏ, bao gồm cuộc tập trận Saber Knight 2017 với sự tham gia của 800 binh sĩ thuộc 3 quốc gia Baltic cùng với Đan Mạch nhằm huấn luyện cho các đơn vị cấp lữ đoàn; Saber Strike 2017, một cuộc tập trận trên bộ và trên không kết hợp ở Latvia với hơn 2.000 binh sĩ từ 8 quốc gia NATO; và BALTOPS 2017, một cuộc tập trận trên biển nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa NATO và các đối tác khu vực, có sự tham gia của 4.000 quân, 50 tàu chiến và tàu ngầm, hơn 50 máy bay từ 14 nước NATO và các quốc gia đối tác.

Đây là những cuộc tập trận chung nhằm nâng cao khả năng chiến đấu. Trong đó nội dung chủ yếu là phác thảo một kịch bản rõ ràng liên quan đến việc bảo vệ các quốc gia Baltic trước nỗ lực của Nga nhằm chia cắt các quốc gia Baltic khỏi phần còn lại của NATO. 

Toan tính của Nga đối với Zapad-2017 

Cuộc tập trận Zapad 2017 được cho là cơ hội để Nga thử nghiệm nhiều khái niệm chiến thuật mới và tác chiến mới, trong đó có những chiến thuật được rút ra từ kinh nghiệm ở chiến trường Syria. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là lập kế hoạch hiệp đồng, xây dựng chiến thuật chỉ huy và triển khai đội hình quân binh chủng hợp thành.

Theo các chuyên gia phân tích, bằng cách tiến hành tập trận Zapad-2017 sẽ giúp Nga đưa hàng chục nghìn binh sĩ của mình đến gần Kiev hơn so với trước đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ, qua đó gây sức ép lên Mỹ và NATO trong các vấn đề liên quan tới giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngoài ra, Nga là quốc gia có truyền thống sử dụng các cuộc tập trận để làm điểm khởi đầu cho các cuộc chiến hoặc làm vỏ bọc che đậy cho các hành động can thiệp. Do đó thông qua cuộc tập trận giúp Nga răn đe các quốc gia Baltic chớ đi ngược lại lợi ích của nước Nga trong quan hệ với NATO.

Thực tế chứng minh vào nửa cuối tháng 7/2008, Quân đoàn số 58 của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận Kavkaz định kỳ ở vùng Caucasus để tập trung quân về phía bắc Gruzia đúng thời điểm cho một cuộc chiến vào đầu tháng 8 năm đó.

Tiếp đó vào năm 2013, Nga đã tái áp dụng một khái niệm huấn luyện cũ, đó là thực hiện một cuộc tập trận chớp nhoáng. Trong vòng một năm, một cuộc tập trận chớp nhoáng đã được tổ chức mà đã dẫn đến việc triển khai quân tới Crimea và các vùng lân cận, và kết quả là Nga đã chính thức sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ của mình.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.